Gia đình

Nắng nóng, coi chừng trẻ bị... viêm não

Cứ nghĩ con viêm họng nên sốt cao, nôn trớ, nhiều cha mẹ không biết con đã bị virus tấn công vào màng não, não, gây bội nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong hoặc để lại các di chứng về thần kinh.

 
Cứ nghĩ con viêm họng nên sốt cao, nôn trớ, nhiều cha mẹ không biết con đã bị virus tấn công vào màng não, não, gây bội nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong hoặc để lại các di chứng về thần kinh.

Ngày 1.6 vừa qua, 1 bệnh nhi 5 tháng tuổi (trú tại quận 11, TP.Hồ Chí Minh) đã được xác nhận tử vong do viêm não mô cầu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, xuất huyết trên da, nôn ói, da tím tái và nhiễm trùng máu. Tuy được cấp cứu nhưng bệnh nhi không qua khỏi. Viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp, khả năng lây lan lớn, tỷ lệ tử vong cao. Ngành y tế TP.Hồ Chí Minh đã gấp rút điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý dịch, cách ly những người đã có tiếp xúc với bệnh nhân. Đến nay chưa phát hiện thêm bệnh nhân mới.

nang nong, coi chung tre bi... viem nao hinh anh 1
Trẻ em có nguy cơ mắc viêm não, viêm màng não cao trong mùa nắng nóng (trong ảnh: Khám bệnh tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai ngày 2.6). Ảnh: Diệu Linh 

Theo TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ em và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Trước đó, trong tháng 5, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) đã có 7 trẻ tử vong với các triệu chứng sốt cao, ho kèm theo khó thở, tiêu chảy; một số trường hợp có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, co giật dẫn đến tử vong nhanh. Đoàn công tác của Bộ Y tế đã điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và kết luận, 7 trẻ tử vong do virus Coxsackie A6 - một loại virus gây nhiều bệnh, trong đó có biến chứng viêm não.

TS Trần Đắc Phu cho biết, virus Coxsackie là một Entervirus ở đường tiêu hoá, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như bệnh (hội chứng) viêm màng não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay chân miệng. “Virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hoá, lây qua phân, qua dịch mũi họng, nước ở mụn rộp (đối với bệnh tay chân miệng). Cả người bệnh lẫn người lành mang virus đều có khả năng lây bệnh. Đây là virus chưa có vaccine phòng bệnh” – TS Phu khuyến cáo.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm não, viêm màng não. Nhiều bệnh có các biến chứng viêm não, viêm màng não như sởi, thuỷ đậu, quai bị, chân tay miệng, bại liệt, rubella, sốt rét ác tính, thậm chí cả bệnh lao… Ngoài ra, nhiều virus, vi khuẩn, ký sinh trùng cũng gây bệnh viêm não, viêm màng não… và phải xét nghiệm khá phức tạp mới tìm ra được.

Nắng nóng dễ… viêm não

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam – Phụ trách khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận 3-4 ca viêm màng não, thậm chí có ngày gần 10 ca. Cụ thể như ngày 30.5 có tới 8 ca viêm màng não trong tổng số 16 ca nhập viện. Còn các ca viêm não thì ít gặp. Bác sĩ Nam cho biết, viêm màng não chủ yếu do virus.

Theo các bác sĩ, dù viêm màng não và viêm não có các triệu chứng tương tự nhau, tuy nhiên, viêm màng não là viêm lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống. Còn viêm não là nhiễm trùng thần kinh cấp tính, thường do virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây hoại tử nhu mô não. Do đó, trong khi viêm màng não có thể điều trị khỏi và ít để lại di chứng thì viêm não có tỷ lệ tử vong khá cao hoặc có nhiều di chứng nguy hiểm như liệt, chậm phát triển trí tuệ… do tổn hại thần kinh.

Bác sĩ Nam cho biết, thời tiết nắng nóng khiến người dân mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, cơ thể mỏi mệt, kém ăn, sức đề kháng giảm. Trẻ em yếu sức hơn nên càng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá, hô hấp và các bệnh viêm não, viêm màng não. Đặc biệt vi trùng gây viêm màng não thường lây qua đường mũi, họng nên dễ đi vào máu, đến cư trú ở lớp màng bao bên ngoài não và “tấn công” khu vực này.

Còn PGS-TS Nguyễn Văn Kính  nhận định, hiện nay đang là mùa vải nên nguy cơ trẻ em mắc bệnh viêm não Nhật Bản tăng hơn. Nguyên nhân không phải vì “ăn vải bị viêm não” mà do loài chim điếu điếu mang bọ ve có virus viêm não lại thích ăn quả vải. Chúng “thả” bọ ve lên quả vải hoặc các khu vực xung quanh vùng cây vải, sau đó bọ ve dính lên người hoặc vào lợn, khiến cho các đối tượng này nhiễm virus. Muỗi đốt người hoặc lợn có virus lại đem truyền virus viêm não tới trẻ em. 

Để phòng bệnh viêm não, viêm màng não, TS Phu khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn; chủ động tiêm phòng vaccine cho trẻ đối với các bệnh đã có vaccine phòng bệnh như viêm não Nhật Bản, rubella, sởi... 

Các triệu chứng viêm não - viêm màng não rất dễ nhận biết như sốt, nôn, đau đầu, cứng gáy nặng hơn có thể hôn mê, rối loạn ý thức. Do đó, nếu cha mẹ thấy con có các triệu chứng sốt cao, nôn, đau đầu thì cần đưa đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm”.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam 


Theo Diệu Linh (Dân Việt)