Gia đình

Lời đề nghị “lạ đời nhất quả đất” của mẹ chồng khiến nàng dâu mới dở khóc dở cười

Nghe những gì mẹ chồng nói, Nhi gần như không thể tin nổi...

 

Nghe những gì mẹ chồng nói, Nhi gần như không thể tin nổi...

Cô vừa bật bếp gas thì mẹ chồng ngó vào bếp gọi: “Cô ra đây một lát, tôi có chuyện muốn nói. Tắt bếp đi không phải nấu nướng gì đâu”. Nhi “vâng” một tiếng rồi đi theo mẹ chồng ra phòng khách.

Rồi chưa đợi Nhi ngồi yên vị, mẹ chồng cô đã nói luôn: “Từ mai cô không phải nấu nướng gì buổi sáng đâu, tôi với ông nhà quen ăn sáng bên ngoài rồi, vợ chồng cô thích ăn ở nhà thì nấu ăn thôi”. “Dạ”, Nhi mỉm cười đáp lời, lòng tự hỏi không biết như này có thể coi mẹ chồng là người thoải mái, dễ tính không nhỉ?

“Tôi cũng nói luôn nhé, cô lấy con trai tôi, về làm dâu nhà này, nhưng cô cũng đừng đặt nặng vấn đề làm dâu hay gì. Tôi với cô mang tiếng là mẹ chồng – nàng dâu, nhưng cô có thể coi như chúng ta chẳng có quan hệ gì cũng được, chẳng có trách nhiệm hay nghĩa vụ nào với nhau cả. Ở nhà cô cũng không cần gọi tôi là mẹ, còn ra ngoài sợ người khác xì xầm thì gọi thế nào tùy cô”, những lời tiếp theo của mẹ chồng khiến Nhi gần như không thể tin nổi. Cô há hốc miệng vì kinh ngạc, trân trân nhìn mẹ chồng không nói nên lời. Trước nay cô chỉ thấy mẹ chồng áp đặt con dâu phải thế này thế nọ chứ chưa bao giờ thấy mẹ chồng nói cô chẳng cần nghĩa vụ hay trách nhiệm gì với bà.

Lời đề nghị “lạ đời nhất quả đất” của mẹ chồng khiến nàng dâu mới dở khóc dở cười - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thấy vẻ mặt của con dâu, mẹ chồng Nhi liền giảng giải: “Càng liên quan đến nhau nhiều thì càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, va chạm. Vì thế không liên quan gì đến nhau, chỉ là quan hệ xã giao bình thường thì sẽ hạn chế tối đa xích mích, cũng là giữ hòa khí trong gia đình. Cũng để tránh kỳ vọng rồi lại thất vọng về nhau. Để tôi nói cụ thể hơn nhé…”.

Và theo lời bà thì vợ chồng cô và ông bà sẽ là tiền ai người nấy tiêu, ông bà không cần vợ chồng cô biếu xén gì bởi ông bà đều có lương hưu, nhưng ông bà cũng không giúp đỡ cho vợ chồng về tài chính nếu cần. Thứ nữa là, cô và mẹ chồng chia ra mỗi người dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn một ngày, mà vợ chồng cô thường chỉ ăn bữa tối ở nhà. Mọi thứ đều công bằng, sòng phẳng và rõ ràng, hệt như một hợp đồng.

Sau này vợ chồng cô có con, ông bà cũng không có nghĩa vụ phải chăm nom cho cô. Bởi, con ai người nấy nuôi, ông bà đã nuôi nấng chồng cô lớn khôn trưởng thành, thế là hoàn thành trách nhiệm rồi. Tương tự, nếu ông bà ốm đau bệnh tật, thì việc chăm sóc cũng không phải là bắt buộc với cô, chỉ là tùy tâm cô mà thôi. Con trai ông bà – tức chồng cô – mới là đối tượng gánh trên vai điều đó.

“Cô đến nhà tôi ở hãy coi như đang đi ở nhờ, lúc nào vợ chồng cô mua được nhà thì có thể ra ở riêng, tôi không có ý kiến. Chính vì ở nhờ nên cô cần tuân thủ 1 vài quy tắc ở nhà tôi, ví dụ giờ giấc đi về, ví dụ không được tùy tiện thay đổi cách bài trí, sắp xếp trong nhà, không được mang bạn bè về tụ tập bù khú… Thế thôi, còn lại cô hoàn toàn được tự do. Tôi nói từ nãy cô có hiểu không nhỉ?”, mẹ chồng Nhi thấy con dâu bộ dạng ngẩn ngơ thẫn thờ thì hỏi lại. “Dạ, con hiểu rồi”, Nhi vội vàng trả lời, cố gượng cười.

“Được rồi, cứ thế mà làm nhé! Hi vọng chúng ta hợp tác vui vẻ!”, mẹ chồng trước khi ra ngoài ăn sáng bỏ lại cho Nhi một câu khiến Nhi không biết nên khóc hay nên cười. Bà thực sự coi mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu giữa cô và bà là một hợp đồng ư?

Nếu chiếu theo những lời mẹ chồng nói thì vai trò làm dâu của Nhi có thể coi là nhẹ nhàng và dễ chịu. Cô hoàn toàn được tự do, đúng như lời bà nói. Cô sẽ không rơi vào cảnh bị mẹ chồng soi mói, xét nét hay đòi hỏi vật chất…, như những nàng dâu không may mắn khác. Sự phân chia công việc của bà cũng khiến cho va chạm giữa cô và bà giảm thiểu ở mức thấp nhất. Bà thật là một người có suy nghĩ khác người, nên mới có thể đưa ra cho con dâu mới là cô lời đề nghị “lạ đời nhất quả đất” thế này chứ!

Nhưng không biết tại sao Nhi lại không vui cho nổi. Đổi lại sự tự do ấy, thì cô chỉ là kẻ đi ở nhờ trong ngôi nhà này, bà cũng không cần cô gọi bằng mẹ. Tất nhiên cô biết, cái gì cũng có 2 mặt, được cái nọ thì mất cái kia. Nhưng thực lòng mà nói, cô vẫn mong muốn đây sẽ là ngôi nhà thứ 2 của mình, bố mẹ chồng sẽ là bố mẹ thứ 2 của mình, mọi người trong nhà đối xử tình cảm và quan tâm lẫn nhau như người thân thật sự, dù có thể khi ấy trách nhiệm trên vai cô sẽ nặng nề hơn…

Theo Sen Trắng (Trí Thức Trẻ)