Gia đình

Không nên ăn quá nhiều đạm trong khi mang thai?

Theo một nghiên cứu mới, nạp quá nhiều đạm từ thịt, phô mai và đậu đỗ trong quá trình mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ sau này.

Theo một nghiên cứu mới, nạp quá nhiều đạm từ thịt, phô mai và đậu đỗ trong quá trình mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ sau này.

 Axit amino có tên methionine tìm thấy trong thịt, các sản phẩm từ sữa được cho là liên quan với bệnh tâm thần phân liệt khi được nạp vào ở mức cao trong quá trình mang thai
 

Các nhà khoa học đã phát hiện ra tình trạng “quá tải” axit amino - vốn cũng rất sẵn trong cá và các sản phẩm sữa cũng như các loại hạt và ngũ cốc - có thể gây ra các triệu chứng sức khỏe tâm thần.

Trong nghiên cứu về lĩnh vực này, họ đã phát hiện ra khi chuột mang thai bị dư thừa methionine, con của chúng sẽ có hành vi giống như tâm thần phân liệt.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ sẽ có thể giúp mở ra hướng phát triển các loại thuốc chống loạn thần mới.

Nghiên cứu này là sự tiếp nối của các nghiên cứu những năm 1960 - 1970, trong đó, các bệnh nhân tâm thần phân liệt có lượng methionine cao sẽ gặp triệu chứng trầm trọng hơn.

Hiện nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh tâm thần phân liệt không rõ nhưng hầu hết các chuyên gia tin rằng tình trạng này là do sự kết hợp các yếu tố di truyền và môi trường.

Các nghiên cứu về những người bệnh này cũng cho thấy có sự khác biệt trong cấu trúc não của họ.

Tác giả nghiên cứu, Amal Alachkar, ĐH California cho biết: Nghiên cứu của chúng tôi đồng nhất với câu nói: “Chúng ta là những gì mà mẹ chúng ta ăn. Nó cho thấy vai trò rất quan trọng của methionine trong chế độ ăn thai kỳ bởi nó có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ rất lâu dài”.

Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nghiêm trọng cần điều trị lâu dài. Người bệnh có nhiều lúc không phân biệt được giữa suy nghĩ, ý tưởng của họ với thực tế. Triệu chứng bao gồm ảo giác, ảo tưởng, rối loạn tư duy và rối loạn hành vi.

Methionine là gì?

Methionine là một axit amino thiết yếu - 1 trong những “viên gạch” xây dựng cũng như sửa chữa các tế bào - và cơ thể không thể tự sản xuất, buộc phải lấy từ thực phẩm.

Nó cũng cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa các mô, cũng như giúp phá vỡ chất béo trong gan và động mạch.

Thiếu methionine có thể gây tổn thương gan, giảm cơ, giảm chất béo, tổn thương da, suy nhược, hôn mê và chậm phát triển ở trẻ.

 

Những thực phẩm nào có methionine?

Những thực phẩm giàu methionine gồm các loại hạt họ hạnh nhân, thịt bò, thịt cừu, phô mai, thịt gà tây, thịt lợn, cá, sò, đậu nành, trứng, sữa và đậu đỗ.

Axit amino này có nhiều hơn ở các loại thực phẩm từ động vật, đặc biệt là các sản phẩm sữa.

Gà và cá có lượng methionine cao nhất trong khi sữa, thịt đỏ và trứng ít hơn.

Đậu nành và đậu đỗ cũng có methionine nhưng ít hơn.

Theo Nhân Hà (Dân Trí)