Gia đình

Khóc thét vì gặp phải mẹ chồng "chuyên gia" suy diễn

Từ ngày có con dâu về, bất cứ lời ăn tiếng nói nào của con dâu đều bị bà để ý và suy diễn ra đủ điều.

Từ ngày có con dâu về, bất cứ lời ăn tiếng nói nào của con dâu đều bị bà để ý và suy diễn ra đủ điều.
Mấy ngày hôm nay, gia đình ông Toàn trầm lặng, buồn rầu. Cả gia đình không ai nói với ai một câu nào, chỉ lầm lũi đi về, ra vào, bữa cơm vẫn dọn nhưng 4 người mà chia làm 3 cữ ăn. Ông Toàn với con trai uống rượu một giờ, vợ ông một giờ và cô con dâu ăn một giờ, có khi còn bỏ bữa.

Vốn từ khi mới cưới nhau, bà Sương - vợ ông, đã có tính suy diễn. Các thành viên trong gia đình, ai có nỡ chạm “lòng” một câu đều được bà “phiên dịch” thành những ý khác, dù nhiều lần góp ý, nhưng bà không nghe nên ông Toàn và con trai cũng bỏ qua, chỉ cười hoặc bỏ đi mỗi khi bà bắt đầu “diễn thuyết” các tưởng tượng trong lòng.

Nhớ ngày cả gia đình đang ngồi bàn chuyện đám cưới Hùng – con trai ông bà, trò chuyện đang rôm rả, Hùng quay sang hỏi mẹ: “Mẹ này, 192 người thì là 32 bàn chứ nhỉ, chưa kể phát sinh, sao mẹ đặt có 30 bàn?”. Bà Sương ngẫm nghĩ rồi lẩm bẩm: “32 bàn… ừ nhỉ, thôi chết, mẹ tính thiếu, giờ gọi đặt thêm có được không?”. Hùng đột nhiên cười ầm: “Ha ha ha, mẹ đúng là…”. "Là gì? Ý anh là tôi già rồi nên lẫn hả? Thế thì anh đi mà tự lo lấy việc. Không phải cười tôi". Không để con trai nói hết câu, bà Sương vùng vằng cao giọng.

Ông Toàn ngồi đó đỡ cho con trai: “Bà sao thế, tôi thấy nó cười bình thường mà, bà nghĩ ngợi nhiều quá. Nó có nói ra câu nào như thế, toàn bà tự nghĩ ra thôi”. Nói rồi ông Toàn bỏ ra chỗ khác, mặc cho bà Sương càu nhàu vì đang bàn việc mà ông không tôn trọng bà lại bỏ đi.

Hai người đàn ông dường như đã quen “sống chung với lũ” biết bao năm nay, nhưng đến khi có con dâu về, ông Toàn và con trai mới hiểu rằng đó không phải là chuyện nhỏ. Hồng Anh, vợ Hùng vốn là cô gái nhanh nhẹn, thông minh nhưng cũng rất thắng tính. Cô không giống nhiều người phụ nữ khác, cứ thích lê la, buôn chuyện rồi đoán già đoán non những câu nói hay đời tư của người khác. Vì có vợ thoáng tính như vậy nên Hùng rất thoải mái. Thế nhưng cuộc sống chung dù thế nào vẫn cần những hài hòa và cố gắng phù hợp từ cả hai phía.

Hồng Anh bỏ vào phòng đóng cửa trước sự ngỡ ngàng của ông Toàn và chồng cô (Ảnh minh họa).

Biết tính mẹ chồng nên từ ngày về làm dâu, Hồng Anh cũng phải lưu ý rất nhiều đến lời ăn tiếng nói với bà Sương, hạn chế bình phẩm, đánh giá hoặc có những câu nói bông đùa nhạy cảm liên quan đến bà Sương. Tuy nhiên vì cái sự suy diễn đã ở trong bản chất, thâm căn cố hữu của mẹ chồng nên dù cố gắng đến mấy, Hồng Anh vẫn không “lọt lưới”.

Thường cô ít tham gia vào chuyện gia đình vì chứng kiến nhiều lần Hùng khó ăn khó nói với mẹ, nhưng Hồng Anh bị bà Sương bắn tin qua Hùng rằng cô không có trách nhiệm trong công việc chung của cả nhà, hỏi gì cũng chỉ cười không nói thêm mà chỉ bảo tùy mẹ quyết định.

Có lần khi vợ chồng Hùng bàn chuyện sinh con năm nay, muốn sơn sửa lại phòng tí chút vì lo đến khi bầu bí và sinh con mới sơn thì độc hại cho cả hai mẹ con. Hồng Anh mới nói đến đó, bà Sương đã dài giọng: “Các con mới cưới đã đòi sửa nhà, thế không phải ý con là chúng ta không chuẩn bị chu đáo để đón con dâu à?”. Hùng đỡ lời vợ: “Không phải thế mẹ, chỉ là chúng con muốn chuẩn bị trước, tường nhà mình thấm mấy năm nay, ẩm mốc không tốt cho trẻ con thôi mà”. Bà Sương đứng phắt dậy trong sự ngỡ ngàng của hai vợ chồng: “Không sửa sang gì hết, có thế nào ở như vậy, không người ngoài lại nghĩ con dâu mới về cho tôi tiền sửa nhà!”. Hùng đành an ủi vợ ngậm ngùi bỏ qua ý định đó.

Rồi cũng đến lúc sự kìm nén của Hồng Anh vượt quá sức chịu đựng. Vốn thích cuộc sống thẳng thắn, tự do nên dù đã sống khép nép, lệ thuộc, bỏ qua rất nhiều mà mẹ chồng cô vẫn có vẻ không hài lòng về con dâu. Từ ngày có con dâu về, bất cứ lời ăn tiếng nói nào của con dâu đều bị bà để ý và suy diễn ra đủ điều. Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn…

Số là hôm đó, Hồng Anh về thăm bố mẹ đẻ. Vì con gái đã lâu không về thăm, nên lúc chia tay bố mẹ cô gói ghém rất nhiều rau quả, trứng gà, gạo nếp cho con gái. Vừa đặt chân vào nhà, Hồng Anh còn đang khệ nệ túi to túi nhỏ trên tay, miệng tươi cười nói với bố mẹ chồng: “Bố mẹ con gửi cho nhà mình ít rau sạch, trứng sạch, ăn không sợ độc hại ạ”. Vừa nghe đến đó, bà Sương hầm hầm đứng dậy nói to: “Ý cô là từ ngày về nhà tôi, cô ăn toàn những chất độc hại phải không? Nhà tôi không thiếu tiền để cô phải đi ăn xin từng mớ rau, cái trứng nhé!” Nói rồi, bà giật túi lớn túi nhỏ trên tay cô và liệng vào thùng rác. Đến mức này, Hồng Anh thực sự không chịu nổi, cô gào lên trong sự uất ức: “Mẹ không sống được với ai hết, mẹ làm mọi người khó chịu với cái tính suy diễn của mẹ. Mẹ hỏi xem cả nhà này có ai thoải mái khi sống với mẹ không?”. Xong rồi, Hồng Anh bỏ vào phòng đóng cửa trước sự ngỡ ngàng của ông Toàn và chồng cô.

Mẹ chồng ngồi đó, vẫn tiếp tục suy diễn dù con dâu đã "đầu hàng": "À nó trù tôi chết sớm đây. Nó vừa về nhà bố mẹ đẻ nó tí mà giờ nó đã lên mặt với mẹ chồng...". Hùng và bố nắm rõ đầu đuôi sự tình, lại biết tính bà như thế nên chỉ dám nói đỡ lời cho con dâu, song bà vẫn ngồi ra rả nói liên tục. Hồng Anh ngồi trong phòng, nghe rõ mồn một từng lời suy diễn của mẹ chồng, cô ấm ức đến phát khóc. Cô đã định mở cửa ra "đối chất" với mẹ chồng, song nghĩ đi nghĩ lại làm thế chẳng ích gì một khi đó đã là bản chất của bà. Trong cô lúc ấy chỉ nung nấu ý định sẽ vận động chồng mua nhà ở riêng. "Chắc chắn chuyện ấy chẳng dễ dàng gì, và mẹ chồng sẽ lại suy diễn, nhưng đương đầu một lần thôi, còn hơn hàng ngày, hàng giờ cứ phải chịu đựng thói suy diễn của mẹ chồng", cô nghĩ thầm.
 
>> Quá stress vì mẹ chồng hay khóc
>> Rạn nứt hôn nhân vì lời nói lấp lửng của mẹ chồng

Theo Quyên Lê (Afamily.vn/Trí Thức Trẻ)