Gia đình

Bố chồng “say nắng“… mẹ con dâu

Tôi đã không tin mình có thể vượt được cú sốc ấy, để về làm con dâu của người đàn ông đã ngoại ngũ tuần nhưng vẫn chưa thể “miễn dịch” được với những cơn “say nắng”.

Tôi đã không tin mình có thể vượt được cú sốc ấy, để về làm con dâu của người đàn ông đã ngoại ngũ tuần nhưng vẫn chưa thể “miễn dịch” được với những cơn “say nắng”.

Bố anh là một người khá điềm đạm chỉn chu. Ông làm nghề kinh doanh, bôn ba thương trường mấy chục năm trời, nhưng ông như một kép đẹp trên sân khấu. Cách nói năng của ông cũng vô cùng bặt thiệp, mang dáng dấp người Tây học, chứ không xô bồ, thô lỗ như mấy đại gia hai lúa. Đặc biệt,  trên khuôn mặt  người đàn ông đã ngoại ngũ tuần ấy, không dấu nổi những nét đào hoa của thời trai trẻ.

Trong khi ông mang dáng vẻ rất hào hoa phong nhã như thế thì mẹ chồng tương lai của tôi đậm một vẻ quê mùa cục mịch.  Bà chưa một lần biết thế nào là đi du lịch, đến dầu gội đầu của bà cũng chỉ quanh quẩn với bồ kết, vỏ bưởi, hương nhu. Bà hương đồng gió nội đến khó tin trong mắt đứa con dâu thị thành là tôi.

Điều khó tin nữa với tôi là mặc dù có sự chênh lệch khá xa giữa hai tính cách, hai lối sống, nhưng ông bà lại rất hòa hợp, yêu thương nhau. Chồng tôi bảo, chưa bao giờ bà phải nghi ngờ, ghen tuông gì với ông. Ông cũng chưa bao giờ có ý trăng hoa này nọ ở bên ngoài. Thậm chí ông cũng chưa bao giờ mang những cơn chuếnh choáng “say nắng” bên ngoài về làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.

Ấy vậy mà ông lại “say nắng” vào cái thời điểm cần ông cần phải chỉn chu, bặt thiệp nhất. Đối tượng khiến ông “say nắng” lại càng khiến các con ông phải dở khóc, dở mếu.

Ông say nắng đúng hôm hai nhà ra gặp mặt nhau. Ông bà đến nhà tôi đã “có lời” để kết mối thâm giao giữa hai gia đình. Mẹ tôi – giáo viên tiểu học đã về hưu. Bà đón gia đình thông gia tương lai trong chiếc áo dài màu cà phê sữa, điểm vài bông cúc magic trắng nền nã. Bà tiếp thông gia tương lai món trà nhài tự tay bà ướp, mấy chiếc kẹo lạc tự tay bà làm…

Ảnh minh họa. Nguồn internet. 


Người đàn ông bôn ba thương trường hôm ấy thay đổi kỳ lạ. Sự thay đổi của ông khiến chính con trai ông phải ngỡ ngàng. “Anh tưởng như có sự đổi vai, không còn là bố đi hỏi vợ cho mình nữa” – chồng tôi sau này vẫn đùa.  Dường như trong thân xác của ông già 60 lúc đó, đã sống lại tâm hồn của một chàng trai 26 tuổi với những rung động đầu đời.

Ông đờ đẫn, lúng túng trước mặt mẹ tôi. Câu chuyện của hai bên thông gia tương lai có phần gượng gạo, bởi người đóng vai trò “linh hồn” của cuộc trò chuyện đã bị “đánh cắp trái tim”. Mẹ chồng tôi cũng nhận ra sự thay đổi kỳ lạ của chồng. Rất may, bà không hiểu, hay cố tình không hiểu nguyên nhân sâu sa của nó. Mãi sau, bà vẫn nói lại câu chuyện bố chồng tôi như “gà mắc tóc” trong lần gặp gỡ thông gia, và cho rằng ông thật thiếu bản lĩnh khi đi hỏi vợ cho thằng con trai cả.

Chỉ có chồng tôi là thấu hiểu tất cả. Anh đã phải đóng vai người gỡ rối trái tim cho ông bố bỗng nhiên trở chứng. Ông không ngừng kiếm cớ để hỏi han chồng tôi về bà thông gia tương lai. Ông bảo, nhìn bà, khiến trái tim ông rạo rực, nhớ lại thời tuổi trẻ với mối tình đầu của mình.

Cô ấy là con gái một thương gia bầu bạn với bố mẹ ông. Hai gia đình cũng đã từng có ý gả con cho nhau, nhưng rồi họ bất ngờ làm ăn thua lỗ và chuyển đi biệt tích. Nỗi trống vắng, hoang hoải của mỗi tình đầu bỗng nhiên sống lại trong lòng ông già 60 tuổi.

Tôi đã thực sự rất sốc về thái độ ấy của bố chồng tương lai. Bởi tôi đã quá thần tượng về sự đứng đắn, nghiêm khắc của ông. Bởi tôi có mơ cũng không bao giờ nghĩ ông lại có thể dám “say nắng” chính bà thông gia tương lai của mình. Chồng tôi đã phải rất vất vả để vừa giải quyết cơn “say nắng” của bố, vừa trấn át tâm lý của cô vợ sắp cưới đang nhất mực đòi chia tay.

Rất may, người đàn ông đào hoa đó đã kịp trấn át cơn say của mình, để chúng tôi có một đám cưới hoàn hảo, và một gia đình yên ấm. Mãi về sau này, mỗi khi hai gia đình có dịp hội ngộ, chúng tôi vẫn nhận ra đâu đó, một chút chênh chao bất chợt của khi ông thông gia đa tình.

Theo Nhật Thanh (Pháp Luật Việt Nam)