Gia đình

Bệnh "vùng hậu": Nhiều phiền toái

Bệnh xoang lông, viêm mủ tuyến mồ hôi, bệnh Crohn quanh hậu môn… là những bệnh hay xuất hiện ở người ngồi nhiều.

Bệnh xoang lông, viêm mủ tuyến mồ hôi, bệnh Crohn quanh hậu môn… là những bệnh hay xuất hiện ở người ngồi nhiều. Tuy nhiên, theo ThS-BS Trần Anh Trứ - khoa Hậu môn trực tràng Bệnh viện An Sinh, khi mắc bệnh “vùng hậu”, gần 90% trường hợp không chịu đi khám vì ngại, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng.

Giữa hai rãnh mông có một chỏm xương cùng, cách hậu môn khoảng 4-5cm. Với những người rậm lông, nếu ngồi một chỗ quá nhiều (nhất là tài xế lái xe đường dài), chỏm xương cùng giữa rãnh mông sẽ có sẹo. Khi sẹo nổi lên, các sợi lông xung quanh sẽ di chuyển, tập trung về điểm có sẹo này rồi đâm xuyên ra ngoài.

Khi lông đâm xuyên ra khỏi da sẽ hình thành một áp xe ngay tại đó. Áp xe này không tự khỏi. Nếu không được điều trị, ổ áp xe sẽ vỡ tạo thành lỗ rò, đóng vảy khô. Lỗ rò thường mở ra sau hậu môn, nếu bị nhiễm trùng, lỗ rò này chảy mủ hoặc dịch vàng hôi.

BS Trần Anh Trứ cảnh báo: bệnh không được điều trị sẽ tái phát nhiều lần, nhiễm trùng toàn thân, hoặc có thể gây ung thư biểu mô tế bào vảy... Nếu xoang lông nhiễm trùng tạo thành áp xe, cần phải rạch và dẫn lưu. Khi bệnh xoang lông mạn tính, phải mở các đường rò và nạo; hoặc cắt bỏ xoang lông. Hiện có hai phương pháp điều trị gồm: nạo, rửa và phẫu thuật. Khi nạo, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, tùy vào lỗ rò mà bác sĩ khoét bỏ hay giữ lại.

Để phòng ngừa bệnh, cần giữ vệ sinh tốt vùng cùng - cụt. Tránh ngồi lâu một chỗ hoặc tạo sức ép trên vùng xương cùng - cụt. Nên cạo sạch lông hoặc tẩy lông vùng này và giữ khô ráo, sạch sẽ.

Viêm mủ tuyến mồ hôi hậu môn: dễ nhầm với mụn

Hậu môn lại là một vùng có nhiều tạp khuẩn, đọng nhiều mồ hôi, chịu nhiều cọ xát… nên vùng da tại khu vực này rất dễ bị tổn thương, dẫn đến viêm, có mủ.

Những người có tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng ở da như trứng cá, nhọt, nang tuyến bã quanh hậu môn là đối tượng dễ mắc bệnh viêm mủ tuyến mồ hôi hậu môn hơn. Ngoài ra, ở những người bị béo phì, việc cọ xát quá nhiều, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn cũng làm bệnh tăng nặng.

Biểu hiện là trên da nổi mụn bọc nhỏ, có mủ trắng, khi đụng vào cảm thấy ngứa, khi khô thì tạo ra một lớp giống da chết. Lúc mụn vỡ, nhiều người tưởng hết bệnh nhưng thật ra bệnh sẽ tái lại và áp xe ở diện rộng hơn, tạo thành các rãnh xoang, có sẹo. Theo thời gian, các rãnh xoang này thông với nhau, lan ra vùng bẹn, tầng sinh môn, mông; có thể lan tới xương cùng cụt hoặc tới bìu (nam), mu và môi lớn (nữ).

Theo BS Trần Anh Trứ, bệnh rất dễ nhầm với mụn trứng cá nên nhiều trường hợp tự mua thuốc mụn về điều trị, gây nhiễm trùng càng nặng. Tuy đó chỉ là những đốm mủ nhưng gây ra nhiều biến chứng nặng nề như co kéo da, nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân, viêm khớp thứ phát, hạn chế cử động do sẹo, ung thư tế bào gai…

Trong giai đoạn viêm, bệnh có thể điều trị nội khoa bằng kháng sinh, nhưng phẫu thuật cắt bỏ thương tổn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Song song đó, cần tăng cường sức đề kháng cơ thể, vệ sinh tại chỗ sạch sẽ, sử dụng quần thoáng mát, chất liệu thấm mồ hôi, hạn chế vận động mạnh gây trầy xước… “Sau khi cắt bỏ thương tổn, vẫn có thể tái phát nhiễm trùng hoặc xuất hiện thương tổn ở vị trí khác. Bệnh nhân cần phải được theo dõi và tái khám định kỳ” - ThS-BS Trần Anh Trứ khuyến cáo.

Bệnh Crohn quanh hậu môn: do tiêu chảy lâu ngày

Crohn là một bệnh viêm ruột, gây tiêu chảy mạn tính. Lâu ngày, bệnh có thể tạo thành các u hạt tại ống hậu môn. Nếu tiêu chảy vẫn tiếp diễn, các u hạt này bị tổn thương, viêm loét, phù nề.

Tổn thương này không gây đau hoặc đau rất ít nên nhiều người không phát hiện được bệnh. Dần dần, các vết loét này tạo ra một lỗ rò hoặc nhiều lỗ rò, chảy mủ, gây ngứa. Bệnh nếu không điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng như rò trực tràng âm đạo (thường gặp), đại tiện không tự chủ, hẹp hậu môn.

Theo ThS-BS Trần Anh Trứ, các thương tổn cũng như biến chứng của bệnh luôn được bác sĩ đặc biệt quan tâm vì có thể làm tổn thương cơ thắt hậu môn, làm bệnh thêm nặng. Có thể dùng thuốc cortisone để cải thiện viêm nhiễm.

Nếu đã biến chứng rò trực tràng âm đạo, cần phải phẫu thuật. Điều kiện là da và mô xung quanh lỗ rò phải nguyên vẹn, không có dấu hiệu của viêm nhiễm. Tiếp đến phải làm hậu môn nhân tạo để chuyển hướng phân và bảo đảm vết thương sau phẫu thuật không bị vấy bẩn. Trường hợp hẹp hậu môn, cần phải tiến hành nong hậu môn. Riêng biến chứng đại tiện không tự chủ, rất khó điều trị, có khi phải cắt bỏ trực tràng.

Theo Thanh Hoa (Phunuonline.com.vn)