Đời sống

Vì sao người miền Bắc hay nói “trộm vía”, “cơm muối”?

Lâu nay, khi nói về trẻ nhỏ, người miền Bắc vốn quen với những thành ngữ cửa miệng như “trộm vía”, hay “cơm muối” mà đa phần không hiểu ý nghĩa thực sự của những thành ngữ này là gì.

Lâu nay, khi nói về trẻ nhỏ, người miền Bắc vốn quen với những thành ngữ cửa miệng như “trộm vía”, hay “cơm muối” mà đa phần không hiểu ý nghĩa thực sự của những thành ngữ này là gì.

Hiểu như thế nào cho đúng và ý nghĩa của những thành ngữ này là gì? Chúng tôi đã có những trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ xung quanh những thành ngữ này.

"Trộm vía", "cơm muối" là những thành ngữ các bậc phụ huynh miền Bắc hay nói với trẻ nhỏ nhưng hầu hết không hiểu ý nghĩa thực sự của những thành ngữ này. Ảnh minh họa

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết,  người miền Bắc quen nói “trộm vía” là vì người xưa quan niệm nam có ba hồn bảy vía còn nữ có ba hồn chín vía. Vía ở đây, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ là năng lượng tinh thần và mà nhờ năng lượng đó mà con người ta có thể sống được một cách khỏe mạnh.

“Khi con người bị đau yếu thì người ta tin có một vía nào đó bị phạm, nó có thể phạm theo nhiều cách nhưng người Việt tin rằng những tác động bên ngoài vào mắt, mũi miệng lưỡi thì khiến cho vía bị lay động và có thể dẫn tới bệnh tật.

Đối với trẻ nhỏ, người xưa quan niệm vía trẻ con còn yếu, cần bảo vệ, giữ gìn nên trước khi khen trẻ nhỏ, phải xin phép các vía trước. Ví dụ như nói “Trộm vía đứa bé xinh, ngoan”, thì cụm từ  “trộm vía” coi như là một lời xin phép.

Cái xin đó thì về mặt tín ngưỡng là xin thần thánh và người ta cũng quan niệm như một lời xin đối với gia chủ”, ông Vĩ nói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói thêm, sở dĩ, người ta hay gọi là trộm vía, chứ không phải trộm hồn là vì: hồn vía là cách đọc cổ xưa của hai chữ HỒN PHÁCH trong cổ Hán ngữ.

Hồn là phần tinh thần thiêng liêng của con người. Phách là phần tinh khí trong con người. Từ “phách” cổ ngữ chuyển âm sang tiếng Việt cổ là “vía”

Vậy “vía” mới liên quan đến khí chất, thể chất nên người ta nói trộm vía chứ không nói trộm hồn. Nói trộm hồn là nói trước người đã mất chứ không phải nói trước trẻ em.

Còn về thành ngữ “cơm muối” sau mỗi lần trẻ hắt hơi, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ lý giải, cơm và muối là hai vật để thầy cúng trừ tà, có thể dùng muối trộn cơm hoặc muối không để trừ tà ma.

“Khi đứa bé bị hắt hơi thì người ta tin là tà nhập, ma quỷ nhập thì hắt hơi sổ mũi. Nói “cơm muối” là để cho tà nhập vào thì nghe cơm muối sợ và không nhập vào đứa bé nữa. Từ đó đứa bé sẽ không ốm”, ông Vĩ cho hay.

Về nguồn gốc và xuất phát của những thành ngữ cửa miệng này, theo chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ, nó đều xuất phát từ cuộc sống tinh thần và từ tín ngưỡng thờ vía, hay trước đây từng dùng ma thuật chữa bệnh của người dân: “Người ta tin khi nói ra như vậy là để kiêng kỵ nhưng thực chất là không phải như vậy.

Vì kiêng nên nhiều khi người ta muốn khen thì khen ngược. Ví dụ như nói “ôi xấu quá”, nếu không thì nói “trộm vía, em bé xinh quá”. Khen ngược ở đây là để tránh cái kiêng kỵ”.

Chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định: Những thành ngữ này không có ảnh hưởng hay tác hại gì mà ngược lại, nó còn tạo ra sắc thái về mặt văn hóa của người Việt nói chung và người miền Bắc nói riêng.

>> Nguyên tắc “sống còn” khi để con ở nhà một mình


 

Theo An Du (Dân Việt)