Đời sống

Vì sao 'Cúng bái quanh năm không bằng lễ Rằm tháng Giêng'?

Người xưa vẫn có câu “Cúng bái quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng?. Vậy vì sao Rằm tháng Giêng có ý nghĩa quan trọng như vậy?.

Vì sao 'Cúng bái quanh năm không bằng lễ Rằm tháng Giêng'?
Tuỳ từng gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng theo hoàn cảnh, thời gian. Ảnh: T.L

Rằm tháng Giêng được coi trọng vì mang nhiều ý nghĩa

TS Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, năm Kỷ Hợi 2019 lễ Rằm tháng Giêng sẽ rơi vào thứ Ba ngày 19/2/2019. Rằm tháng Giêng có ý nghĩa quan trọng trong tâm thức của người Việt và được nhiều gia đình coi trọng vì đây là Rằm khởi đầu của năm sau khi Tết qua. Đồng thời, đây thuộc mùa xuân tượng trưng cho sự phát triển. Cũng như con người sau một năm khởi đầu mới thường chuẩn bị cho nhiều dự định, công việc. Chính vì vậy mà việc thờ cúng họ cũng rất quan tâm.

Sở dĩ mọi người thường nói “cúng bái quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” là để nhấn mạnh và nhắc nhở mọi người cần nhớ đến ngày lễ mặc dù trong năm vẫn còn nhiều ngày lễ quan trọng khác. Trong sách "Cơ sở văn hóa Việt Nam”, GS Trần Ngọc Thêm viết không chỉ ngày đầu năm mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng. Theo quan niệm của người Việt, phàm làm bất kỳ điều gì hễ đầu xuôi thì đuôi lọt. Bởi vậy trong những ngày đầu năm, đầu tháng, người dân Việt có tục cúng vái và kiêng kỵ rất được coi trọng.

Rằm tháng Giêng - đó là ngày trăng tròn đầu tiên còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Đây là một Tết nằm trong hệ thống Thượng - Trung - Hạ Nguyên. Tết Thượng Nguyên là Rằm tháng Giêng, Tết Trung Nguyên là Rằm tháng Bảy và Tết Hạ Nguyên là Rằm tháng Mười. Ba ngày Tết này mang các ý nghĩa khác nhau. Tết Thượng Nguyên là Tết hướng thiên cầu phúc an lành, Tết Trung Nguyên là địa quan xá tội, Tết Hạ Nguyên là thủy quan giải ách.

Cũng theo TS Vũ Thế Khanh, từ xưa trong tâm thức của người Việt Rằm tháng Giêng còn được coi là Tết muộn, có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán. Bởi dư âm những ngày Tết Nguyên đán vẫn còn khi nhiều gia đình vẫn tiếp tục ăn Tết, gói bánh chưng, chơi mai, đào nở muộn.

Với Phật giáo, Rằm tháng Giêng còn gọi là ngày Pháp Bảo. Ngày này liên quan đến Phật tích là kỷ niệm ngày Đức Phật thuyết Kinh Giải thoát tại Thánh hội Tăng Già trong vườn Trúc Lâm. Bởi vậy nên nhiều nơi, vào Rằm tháng Giêng mọi người thường đến chùa sắm lễ thanh tịnh dâng cúng Phật, làm lễ phóng sinh tạo phúc. Tham gia làm nhiều việc công đức để cầu chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên Thần Thánh gia hộ cho cả gia đình một năm bình an, hạnh phúc và thịnh vượng. Trong ngày này, các chùa cũng lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu quốc thái dân, cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia trì cho mọi người được một năm an lành, hạnh phúc…

Những lưu ý khi cúng lễ Rằm tháng Giêng

Bên cạnh việc đi lễ chùa, Rằm tháng Giêng các gia đình rất chú trọng đến sắm sửa lễ vật để cúng tại gia đình. Theo TS Vũ Thế Khanh, trước khi cúng Rằm tháng Giêng, các gia đình phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Trong đó, một việc quan trọng cần chú ý là việc bao sái ban thờ. Lưu ý khi lau dọn phải chọn khăn mới, chổi mới hoặc khăn lau, chổi quét chuyên dùng. Lau dọn bằng nước sạch, khăn sạch, chổi sạch… với nguyên tắc lau từ cao xuống thấp.

Nhiều gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán đi chơi, lễ chùa thường mang những cành vàng lá ngọc hay những đồ hàng mã đẹp để dâng cúng rồi xin lộc về đặt lên bàn thờ cúng rằm. Bàn thờ là nơi tâm linh, thanh tịnh nên những cành vàng lá ngọc không nên đặt lên. Cũng giống như hoa, trái cây chỉ cúng các loại quả tươi để ông bà tổ tiên có thể "ăn hương ăn hoa", hưởng lộc con cháu gửi. Nếu đang cúng quả giả nên bỏ ngay.

Cũng vì quan niệm “quanh năm lễ lạt không bằng cúng Rằm tháng Giêng” nên không hiếm gia đình cho rằng lễ vật nhất thiết phải lễ lớn, lễ to. Có những gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm lễ vật, bày cỗ to để cầu cúng và hy vọng “người âm” sẽ được hưởng. Thậm chí, có những gia đình đốt tiền, vàng mã thật nhiều với mong muốn người chết có cuộc sống đủ đầy ở thế giới bên kia. Đây là quan niệm sai lầm.

Việc cúng cho người đã mất dù đồ vật thật hay là đồ tượng trưng thì người đã khuất cũng không thể nhận được mà chủ yếu là thể hiện tấm lòng thành của những người còn sống. Việc cúng đồ mã nhiều không những gây lãng phí tiền của mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hãy cứ cúng đồ thật thay vì mấy chục, mấy trăm triệu tiền vàng mã đốt rồi chỉ còn tro bụi, không mang lại niềm hoan hỉ hay lợi ích nào cả.

Theo các chuyên gia tâm linh, Rằm tháng Giêng thường các gia đình sẽ sắm lễ cúng Phật và cúng gia tiên. Như đã nói ở trên, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà tùy theo điều kiện mỗi gia đình và phong tục từng vùng mà mâm cỗ có sự chuẩn bị khác nhau.

Trong đó, lễ cúng Phật là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến, không cúng tiền giả, không cúng đồ sát sinh. Cúng gia tiên có thể làm các món ăn mặn với các món ăn truyền thống của người Việt như xôi gấc, hoa quả, gà luộc, chân giò… Trong mâm cỗ của ngày Rằm tháng Giêng không thể thiếu bánh trôi, chay với mong muốn mang đến một năm mới mọi sự trôi chảy, thuận lợi.

Lưu ý, lễ vật cúng của lễ Phật và lễ gia tiên cần phải để riêng. Tuyệt đối không để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên bàn thờ hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng. Hoa quả có thể để ở ban trên, còn đồ cúng mặn nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.

Theo Hà My - Mai Thùy (Giadinh.net.vn)