Đời sống

Tục ăn bánh tro giết sâu bọ ngày Đoan ngọ

Vào ngày giết sâu bọ, nhiều gia đình thức dậy sớm tranh thủ ăn đĩa bánh tro, bát rượu nếp và dăm ba quả mận, vải.

Vào ngày giết sâu bọ, nhiều gia đình thức dậy sớm tranh thủ ăn đĩa bánh tro, bát rượu nếp và dăm ba quả mận, vải.
Dịp Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) là lúc tiết trời nóng bức nhất. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối.
 

Bởi vậy vào tiết này, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu tai qua nạn khỏi, được mùa.

 

Theo tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 Âm lịch. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h.

 

Hiện nay, nhiều gia đình Việt vẫn còn giữ nếp ăn Tết ở nhà với các món truyền thống như rượu nếp, bánh tro, quả mận, vải...

 

Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ đặc biệt này. Các gia đình có thể nấu cơm nếp, ủ rượu ở nhà hoặc mua ngoài hàng bán sẵn.

 

Có hai lựa chọn là cơm nếp cẩm và cơm nếp trắng thường được ăn luôn từ sáng sớm. Người dân quan niệm, cơm nếp có thể tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể.

 

Món bánh tro dân dã cũng xuất hiện trong mâm cúng của nhiều gia đình.

 

Bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín. Bánh ăn kèm với mật mía, bánh mát, dễ tiêu.

 

Mận hậu phổ biến vào mùa hè ở miền Bắc. Đây cũng là loại quả không thể thiếu trong ngày giết sâu bọ.

 

Hiện nay, Tết Đoan Ngọ không được tổ chức to như trước đây. Nhưng các gia đình vẫn cố gắng để có đủ các món cơ bản trong ngày lễ đặc biệt này.

 

Vải thiều hạt nhỏ cũng có thể lựa chọn bổ sung cho mâm cúng. Các bậc cha mẹ cũng có thể đem lại niềm vui, sự háo hức cho con với truyền thống văn hóa này.

  
Theo Vũ Minh Quân (VnExpress.net)