Đời sống

Trồng cây sâm đất: Vừa có rau ngon ăn quanh năm, vừa làm cây thuốc đa năng cho cả nhà

Lá cây sâm đất được dùng chế biến thành nhiều món ăn như: luộc, xào tỏi, nấu canh sườn,… với hương vị lạ mà ngon, kích thích tiêu hóa.

Đặc điểm của cây sâm đất

Cây sâm đất còn có tên khác là sâm thổ cao ly, là loài thân thảo mọc đứng cao tới 0,6m, thên phân nhánh nhiều ở dưới. Lá cây mọc so le, hình trái xoan thuôn hay hình trứng ngược, thót lại ở gốc thành cuống rất ngắn, phiến lá dày, hơi mập, bóng cả hai mặt, mép lá hầu như lượn sóng.

Hoa nhỏ, màu hồng, xếp thành chùm thưa ở ngọn thân và các nhánh, dài khoảng 30cm. Quả nhỏ, khi chín có màu đỏ nâu hay xám tro. Hạt rất nhỏ, dẹt, màu đen nhánh. Cây sâm đất ra hoa vào tháng 6-7, có quả vào tháng 9-10. 

Trồng cây sâm đất: Vừa có rau ngon ăn quanh năm, vừa làm cây thuốc đa năng cho cả nhà

Tác dụng của cây sâm đất

Đây là loại cây có rất nhiều bộ phận được sử dụng làm thuốc chữa bệnh như: rễ, lá, thân.  Cây có vị ngọt, tính bình, có thể chữa đau răng, đau bụng, cảm mạo, bệnh gan, cao huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu, bồi bổ cho cơ thể khi suy nhược, ra nhiều mồ hôi, kinh nguyệt không đều, thiếu sữa. 

Dân gian thường lấy củ sâm đất ngâm rượu uống; lá nấu canh ăn giúp thanh giải thử nhiệt cơ thể, làm mát gan. 

Lá cây sâm đất được dùng chế biến thành nhiều món ăn như: luộc, xào tỏi, nấu canh sườn,… với hương vị lạ, kích thích tiêu hóa. Canh rau sâm đất ăn có vị ngọt, hơi chua giống như rau mồng tơi, nhưng không có nhớt.

Trồng cây sâm đất: Vừa có rau ngon ăn quanh năm, vừa làm cây thuốc đa năng cho cả nhà - 1
Cây sâm đất có rất nhiều công dụng.

Rau sâm ưa đất ẩm nhưng nhiều ánh nắng, rất dễ trồng, có thể thu hoạch lá quanh năm. Khi thu hoạch thì cắt nhánh để cây đâm chồi, cho ra lứa rau khác. Ngoài ra, sâm đất còn là loại cây cảnh khá xinh xắn, được trồng trong các chậu kiểng vì cây cho hoa bé xinh, phớt hồng rất đẹp.

Trồng cây sâm đất: Vừa có rau ngon ăn quanh năm, vừa làm cây thuốc đa năng cho cả nhà - 2
Củ cây sâm đất.
Trồng cây sâm đất: Vừa có rau ngon ăn quanh năm, vừa làm cây thuốc đa năng cho cả nhà - 3
Lá cây sâm đất nấu canh rất ngon, mát.

Cách trồng cây sâm đất

Sâm đất có thể trồng từ hạt hoặc trồng từ thân hay rễ.

Trồng từ hạt

Trồng cây sâm đất: Vừa có rau ngon ăn quanh năm, vừa làm cây thuốc đa năng cho cả nhà - 4

Hạt giống sau khi thu hái được xử lý bằng nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) ngâm khoảng 6 - 8 giờ, vớt ra để ráo, sau đó dùng que nhọn chọc lỗ sâu 1cm trên đất rồi cho hạt vào (2-3 hạt/ lỗ), lấp kín đất, dùng lưới che nắng cho luống gieo.

Trồng từ hom

- Chọn hom: Hom được lấy từ thân hoặc củ cây mẹ, lấy từ đoạn gốc đến hết phần bánh tẻ của thân, hạn chế lấy phần ngọn quá non, dễ bị thối gốc khi giâm.

Trồng cây sâm đất: Vừa có rau ngon ăn quanh năm, vừa làm cây thuốc đa năng cho cả nhà - 5

- Dùng dao hay kéo sắc để cắt hom. Hom được cắt từ thân có chiều dài 10 – 20 cm và ít nhất trên mỗi hom có từ 3 – 4 mắt lá, tỉa bớt lá trên hom chừa khoảng 1/3 lá, đem giâm vào luống. Thường xuyên tưới ẩm. Sau khi giâm 10 -15 ngày hom giâm bắt đầu có rễ thì đem trồng.

Sâm đất có thể trồng trên các luống đất với kích thước rộng 1,2m x cao 10 – 20 cm, kích thước giữa các cây là 15 – 20cm. Cũng có thể trồng trong chậu hay thùng xốp. Đất trồng pha trộn theo tỉ lệ: 80% đất thịt + 10% tro trấu hoặc rơm mục+ 10% phân chuồng hoai.

Chăm sóc cây sâm đất

Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho đất, đặc biệt vào mùa nắng hạn. Kết hợp nhổ cỏ dại và phòng trừ sâu xám ăn lá và chồi non.

Thu hoạch

Trồng cây sâm đất: Vừa có rau ngon ăn quanh năm, vừa làm cây thuốc đa năng cho cả nhà - 6
Hoa cây sâm đất.

Cây rau khi phát triển có chiều cao hoặc dài từ 20 – 30cm thì có thể cắt lấy rau. Dùng dao sắc cắt phần thân chồi lá non. Sau thu hoạch, bón thúc bằng phân chuồng hoai mục hay phân trùn quế để cung cấp chất dinh dưỡng cho đất và kích thích rau sớm ra lá mới. Nên thay thế và trồng mới hàng năm.

Theo Tiểu Ngạn (Khampha.vn)