Đời sống

Tôi tốn 100 triệu làm phòng karaoke tại nhà, nhưng một năm đã bỏ xó

Ở chung cư nên anh Chung (Hà Nội) phải đầu tư hệ thống cách âm, tiêu âm tốn kém. Nhưng rồi anh nhanh chóng chán phòng hát tại gia này.

Đầu năm 2017, gia đình anh Chung mua một căn hộ 150 m2 có 4 phòng ngủ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Anh quyết định sửa một phòng ngủ thành phòng karaoke hết 100 triệu, nhưng hiện giờ không gian này ít được sử dụng:

Gia đình tôi có hai vợ chồng và hai con đều đang học cấp hai. Lúc đầu, chúng tôi dự tính mua nhà dư một phòng ngủ để dành làm nơi ở cho bác giúp việc lâu năm. Nhưng sau đó, khi bác ấy nghỉ làm về quê, vợ tôi bảo, các con đều đã lớn nên không cần thuê người trợ giúp nữa. Mỗi tuần, gia đình sẽ nhờ người lau dọn, còn các con sẽ đỡ đần bố mẹ việc nấu nướng, tự lập dọn phòng của mỗi cháu. 

Với các gia đình khác, căn phòng trống rộng 18 m2 có thể trở thành phòng ngủ cho khách, phòng làm việc. Nhưng với chúng tôi, việc này lại không phù hợp vì cả hai vợ chồng đều sinh ra ở Hà Nội, không có họ hàng ở quê ra thăm. Chúng tôi cũng thỏa thuận không đem việc về nhà làm.

Tôi tốn 100 triệu làm phòng karaoke tại nhà, nhưng một năm đã bỏ xó

Phòng karaoke tại gia là đầu tư xa xỉ mà các gia chủ nên cân nhắc kỹ. Ảnh minh họa: DMC.

Sau cả tháng bàn bạc chuyện sử dụng phòng trống sao cho hợp lý, tôi nảy ra ý tưởng dành khu vực đó làm phòng karaoke. Hai vợ chồng tôi đều thích ca hát nên thường xuyên đi tụ tập cùng bạn bè vào dịp lễ Tết, sinh nhật. Hầu như lần nào, chúng tôi cũng chi 500.000-700.000 đồng mỗi người cho quán (gồm cả tiền hoa quả, bia).

Tôi tính, nếu nhà có phòng karaoke, cuối tuần sẽ vui vẻ, thoải mái hơn khi có thêm một hoạt động sinh hoạt văn hóa, thay chỉ vì ngồi nhậu nhẹt như trước đây. Bạn bè tôi cũng có thể tới nhà chơi, vừa ấm cúng vừa đỡ tốn kém hơn nhiều.

Lúc đầu, chúng tôi nghĩ khá đơn giản rằng phòng hát chỉ cần mua một chiếc tivi màn hình rộng 42 inch kết hợp thêm cặp loa, amply, mic không dây. Bởi vậy, tôi ra hàng điện tử, hỏi mua đúng những thứ đó hết gần 40 triệu đồng.

Nhưng ngay chiều thứ bảy tuần đó, gia đình tôi chưa hát xong một bài thì hàng xóm bên cạnh đã gõ cửa. Tường ngăn cách giữa hai căn hộ ở chung cư mỏng nên khi sang nhà họ, tôi nghe thấy tiếng hát của gia đình tôi vọng sang rất vang.

Hôm sau, tôi quyết định đi tham khảo hệ thống cách âm cho phòng. Nghe thợ giải thích, tôi mới biết cần làm cách âm cho cả trần, sàn, tường nhà. Mức giá cho gói thi công này với chất lượng khá gần 30 triệu. Người thợ cũng nói, tôi nên làm thêm cả gói tiêu âm để khi hát không bị vang vọng, vừa trang trí làm đẹp cho phòng luôn. Vật liệu sử dụng chủ yếu là gỗ, nỉ, giả da nhưng chi phí cũng lên tới 40 triệu.

Khi tôi về thông báo khoản tiền phát sinh 70 triệu, vợ tôi phản đối. Nhưng nếu không làm cách âm, chúng tôi sẽ bỏ phí và phải thanh lý bộ loa, amply vài chục triệu. Ước mơ có chỗ thư giãn ca hát tại gia cũng tan thành mây khói.

Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định đầu tư khoản tiền đó; thợ sửa chữa phòng mất cả tuần. Trong quá trình thi công, chúng tôi cũng điều chỉnh thêm một số chi tiết như đèn, bàn ghế, vật liệu hoàn thiện cho phòng đẹp hơn.

Tuần đầu tiên khai trương, chúng tôi mời gia đình bạn thân tới ăn uống rồi hát hò suốt tối. Liên tiếp vài tuần sau đó, phòng karaoke đều kín lịch. Âm thanh không được nét như ngoài hàng nhưng mọi người vẫn thoải mái vì tha hồ hò hét mà không làm phiền ai.

Tuy nhiên, rồi cũng tới lúc hết một lượt người quen "bóc tem" căn phòng đặc biệt này. Sau đó, mọi người cũng chỉ tới chơi, vào hát một, hai bài rồi ra. Lúc trước, tôi nghĩ khi có thiết bị hát tại nhà, tôi sẽ không ra ngoài quán nữa mà rủ bạn bè về nhà. Nhưng thực tế, căn phòng có diện tích vừa phải nên không chứa được nhiều người. Ngoài ra, mọi người cũng thích thử nghiệm thêm ở các phòng có sân khấu bục đứng, âm thanh xịn hơn. Bởi vậy, mỗi dịp sinh nhật, tụ tập cơ quan, tôi vẫn tham gia đi ăn uống, hát hò bên ngoài.

Vào những ngày mùa đông, chúng tôi còn thỉnh thoảng sử dụng căn phòng đó. Còn vào hè hay ngày đẹp trời, chúng tôi và những người quen đều đi nghỉ mát cuối tuần hoặc dạo phố. Ngày thường, hai vợ chồng đi làm về mệt và hát cho nhau nghe mãi cũng chán nên phòng karaoke hầu như đóng kín cửa. Tôi nhẩm tính, căn phòng từ lúc lắp đặt cách đây hơn một năm, cũng mới chỉ sử dụng được hơn chục lần, chủ yếu vào thời gian đầu. Thời gian mở cửa thường xuyên nhất là khi người bên công ty vệ sinh vào lau dọn sàn, vách gỗ và thiết bị điện tử.

Giờ tôi tiếc quá, nhưng bỏ thì thương mà vương thì tội, không biết phải làm sao.

KTS Ngọc Anh chia sẻ, nhu cầu được tận hưởng tối đa các tiện ích hiện đại của gia đình anh Chung là điều dễ hiểu. Hiện nay, không ít gia đình cũng có xu hướng đầu tư vào các thiết bị giúp thư giãn khi trở về nhà sau một ngày làm việc, học tập vất vả.

Nếu phòng karaoke được sử dụng thường xuyên thì khoản tiền bỏ ra hơn 100 triệu đồng là xứng đáng. Tuy nhiên, căn phòng này lại hầu như đóng cửa quanh năm dẫn tới lãng phí cơ sở vật chất. Hiện giờ, nếu muốn thanh lý, anh Chung có thể bán lại đồ điện tử, còn các đầu tư vào hệ thống cách âm, tiêu âm là không thể.

Bởi vậy, kiến trúc sư tư vấn, gia chủ vẫn nên giữ nguyên phòng karaoke đó nhưng mở rộng thêm chức năng thành phòng sinh hoạt chung. Anh chị có thể thêm tủ sách làm nơi đọc truyện, phòng ngồi uống trà cho bố mẹ, chỗ tụ tập cho con và các bạn.

Nếu định lắp phòng karaoke hoặc các thiết bị thư giãn đắt tiền, các gia chủ chỉ cần đặt một câu hỏi duy nhất: "Tần suất sử dụng trong mỗi tuần, mỗi tháng như thế nào". Nếu số lần dùng quá ít, các bạn nên chuyển sang dùng dịch vụ bên ngoài.

Theo An Yên (VnExpress.net)