Đời sống

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số

Đào năm nay đã 18 tuổi, nhưng em vẫn chỉ là một đứa trẻ. Đào không biết bản thân mình là ai, không thể tự đi trên đôi chân của mình. Nhưng thật may mắn là suốt 18 năm qua, chưa bao giờ em phải bước đi một mình.

Ánh mắt vô định của cô bé 18 tuổi trên vai mẹ vẫn luôn ám ảnh tôi về những phận người trong xã hội.

Dưới cái nắng ban trưa như đổ lửa, tấm lưng người mẹ đã ướt đẫm mồ hôi, còn cô con gái nhỏ vẫn ôm chầm không một giây buông lỏng, chiếc xe đạp cũ kỹ chậm rãi đưa hai mẹ con đi về phía trước.

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số
Ánh mắt vô định của bé Đào.

Ôm con ôm cả cuộc đời

Đây đã là lần thứ 2 tôi gặp hai mẹ con chị Trinh trên con đường này. Một sự tình cờ hữu duyên.

- Nó tên Đào, 18 tuổi rồi đó nhưng bị chậm phát triển trí tuệ nên vẫn như một đứa con nít vầy nè! - Chị bắt đầu câu chuyện.

Sinh ra ở Đồng Tháp, chị Lê Thị Lệ Trinh (43 tuổi) mất cha mẹ từ sớm. Sau khi tốt nghiệp 12, chị theo bạn bè lên thành phố mưu sinh. Ở đây chị đem lòng yêu thương một người Việt gốc Hoa rồi lập gia đình. Chị cười bảo: "Hồi đó đi làm rồi gặp ổng, rồi thương nhau, rồi ổng kêu ba má ổng về quê chị làm cái đám nhỏ nhỏ để trình ông bà". Không lâu sau, hai vợ chồng chào đón sự ra đời của bé Giang Tiên Đào (1999).

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số - 1
Hại mẹ con chị Trinh rong rủi trên đường phố để bán vé số.

Biến cố xảy ra vào năm bé Đào lên 3. Lần đó Đào lên cơn co giật, cả nhà đưa vào viện cấp cứu, bác sĩ bảo em bị động kinh. Hai vợ chồng chỉ biết đau đớn nhìn nhau vì kiếm đâu ra tiền để chữa trị cho con gái khi mà tiền ăn mỗi ngày còn chật vật. Rồi con bé lớn lên cùng căn bệnh, Đào không biết nói, cũng chẳng thể nhận thức những điều xung quanh. Chân tay yếu xìu nên lúc nào cũng phải có mẹ đi bên cạnh để dìu từng bước.

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số - 2
Bé Đào bị động kinh năm 3 tuổi, hiện tại mỗi tháng chị Trinh vẫn đưa con đến bệnh viện để thăm khám.

Ngày bé Đào còn nhỏ, chị Trinh ẵm Đào đi ra chợ buôn bán, chị bán kiểu gì mà toàn thấy lỗ chẳng thấy lời. Đào lớn hơn một chút, chị cõng em đi khắp các ngả đường để bán vé số, hai mẹ con vất vả hơn nhưng ít nhất là kiếm được mỗi ngày vài chục. Những ngày cuối tuần anh không đi làm, chị giao bé Đào cho anh giữ rồi đi giúp việc nhà, hai vợ chồng mỗi người cố gắng một ít để nuôi con.

"Hàng xóm cứ khuyên: sao vợ chồng bây không gởi con nhỏ vào trung tâm cho người ta nuôi, rồi sinh một đứa khác đặng sau này tụi bây già có người phụng dưỡng. Chồng chị ổng không chịu vậy đâu, ổng nói con gái mình nó không biết gì, nói gởi vô trung tâm lỡ người ta đánh đập hay làm gì thì tội nó lắm. Con mình, mình nuôi" - chị Trinh tâm sự.

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số - 3

Mấy năm gần đây bé Đào lớn hơn, nặng hơn nên chị Trinh không thể cõng đi như ngày xưa. Vợ chồng gom tiền mua chiếc xe đạp cũ để ngày ngày hai mẹ con đèo nhau trên chiếc xe đi bán vé số. Chị bảo: "Đi ngoài nắng vậy cũng cực, nhưng để con bé ở nhà một mình không ai chăm sóc chị không yên tâm".

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số - 4
Ngày nắng hay ngày mưa mẹ con vẫn luôn có nhau.

Buồn cũng hết một ngày, vui cũng hết một ngày, vậy cứ vui mà sống

Lệ Trinh - cái tên của chị lúc nào cũng khiến tôi liên tưởng đến những giọt nước mắt. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy chị khóc (hoặc chị không khóc trước mặt tôi). Chị rất hay cười.

"Chị khoái coi hài lắm. Mỗi ngày đi làm về, cả nhà cùng nhau nằm trên chiếc giường nhỏ xíu cùng coi hài tự nhiên thấy thoải mái. Cuộc sống vất vả, mình không có tiền đi chơi chỗ này chỗ kia như người ta thì thôi ở nhà coi hài cũng vui rồi" - chị cười hì hì kể.

Buồn cũng hết một ngày, vui cũng hết một ngày, vậy thôi hãy cứ vui mà sống. Chị Trinh tâm sự: "Chị hay tự an ủi mình lắm. Nhìn lên vợ chồng chị không bằng ai, nhưng nhìn xuống mình cũng hơn nhiều người. Nhiều người còn không đi được phải lết ăn xin ngoài đường, nghĩ vậy rồi tự thấy mình may mắn".

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số - 5
Chị Trinh luôn tự an ủi mình để vui sống từng ngày.

Con người ta càng lớn tuổi lại càng thấu hiểu nhiều thứ hơn. Chị bảo tôi: "Mày nhìn mặt chị có hiền không? Không hiền đâu nha, ngày còn trẻ chị dữ lắm. Nhưng từ hồi con gái chị bị bệnh chị đầm tính hơn. Mỗi khi lên cơn con nhỏ rất nóng tính, mình phải nhẫn nại với nó. Chị chăm sóc kỹ lắm, nhiều người hỏi chăm con vậy có cực không, chị nói chăm mười mấy năm rồi riết cũng quen".

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số - 6

Bé Đào năm nay đã 18 tuổi rồi, bằng cái tuổi của em người ta đã là nữ sinh cuối cấp chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Nhưng Đào vẫn chỉ mãi là một đứa trẻ, mãi nằm trong vòng tay của chị Trinh. Điều duy nhất em có thể làm đó là ôm hôn ba mẹ mỗi tối trước khi đi ngủ. Vậy thôi là đủ đầy cho cái điều gọi là hạnh phúc ở căn phòng nhỏ của vợ chồng chị Trinh.

"Chị nói thiệt với mày chứ nhỏ lớn chị không mơ nhà lầu xe hơi, vì chị hiểu rõ hoàn cảnh của mình không thể với tới những thứ đó. Chị chỉ ước sao cho vợ chồng con cái sống ấm êm với nhau vậy là đủ" - chị tâm sự.

Theo mẹ đi khắp Sài Gòn: Chuyện cô bé 18 tuổi chưa một ngày rời xa đôi vai của người mẹ vé số - 7
Chị bảo lo cho cho được ngày nào thì hay ngày đó, còn tương lai như thế nào thì hãy để số phận quyết định.

Chúng tôi chia tay nhau để hai mẹ con chị Trinh là tiếp tục hành trình mưu sinh của mình. Chị ẳm con bé lên yên xe rồi từ từ đẩy chiếc xe xuống đường. Thấy tôi đứng nhìn, chị quay lại cười bảo: "Em biết không hồi mới sinh bé Đào, ước mơ lớn nhất của chị là đợi con lớn lên được chở con đi học mỗi ngày, rồi tan học lên trường rước con về. Giờ tuy không được nhưng hai mẹ con lúc nào cũng ở bên nhau".

"Mẹ ơi thế giới mênh mông

Mênh mông không bằng nhà mình

Dù cho phú quý vinh quang

Vinh quang không bằng có mẹ..." - Trần Tiến

Theo Toàn Nguyễn (Trí Thức Trẻ)