Đời sống

Tháng cô hồn và những quan niệm sai lầm

Phong tục người Việt không quan niệm tháng nào là cô hồn. Thay vì cúng bái, tôn thờ những điều mê tín, con người nên hướng tới làm điều thiện, báo hiếu mẹ cha.

Phong tục người Việt không quan niệm tháng nào là cô hồn. Thay vì cúng bái, tôn thờ những điều mê tín, con người nên hướng tới làm điều thiện, báo hiếu mẹ cha.

Tuy nguồn gốc khác nhau, cả 2 lễ cúng lớn trong tháng bảy đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là đề cao báo hiếu và làm phúc bố thí.

Theo sách 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, tục cúng linh hồn có liên quan câu chuyện giữa A Nan Đà (thường gọi tắt là A Nan) với con quỷ miệng lửa (diệm khẩu).

Quan niệm trong sử sách

Chuyện kể rằng một buổi tối, khi A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết ba ngày sau A Na sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó. A Nan sợ quá bèn hỏi quỷ bày cho cách thoát khỏi khổ đồ.

Quỷ đói nói: “Ngày mai, ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cũng dường Tam Bảo thì sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.

A Nan đem chuyện bộc bạch với Đức Phật và được Phật cho bài chú gọi là “cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà La Ni”. Sau đó, A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ.

Tục cúng linh hồn bắt nguồn từ sự tích này nên người ta vẫn gọi cúng cô hồn là “phóng diệm khẩu”, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”.

Về sau, nó lại được hiểu rộng thành nghĩa khác như tha tội cho tất cả người chết (xá tội vong nhân), hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn).

Nguồn gốc ra đời của lễ Vu Lan

Theo sách nhà Phật, xưa kia, ông La Bộc đi theo Ðức Phật, tu hành đắc đạo, trở thành Bồ tát Mục Kiền Liên - một trong các đệ tử thân tín của Ðức Phật.

Vì mẹ đã qua đời nên Mục Kiền Liên luôn mang niềm thương nhớ. Muốn biết mẹ mình khi ấy ra sao, ông dùng "mắt thần" tìm kiếm bốn phương, thấy mẹ đang ở trong "cõi quỷ", bị hành hạ khổ cực vì khi còn sống bà từng gây tội lỗi. Mục Kiền Liên thương mẹ, ông xuống "cõi quỷ" đưa bát cơm nhưng mẹ không được ăn.

Thang co hon va nhung quan niem sai lam hinh anh 1

Thay vì quan niệm về mê tín, cúng bái, chúng ta nên làm điều tốt, báo hiếu mẹ cha trong ngày rằm tháng bảy. Tranh vẽ: Tiến Hoàng

Ông trở về hỏi, Ðức Phật bảo dù tài giỏi, Mục Kiền Liên cũng không cứu được mẹ, chỉ có một cách là hợp sức cùng mọi người. Rồi ngài thuyết kinh Vu Lan khuyên đến ngày rằm tháng bảy, Mục Kiền Liên cùng mọi người sắm sửa cúng lễ sao thật thành tâm sẽ cứu được mẹ.

Ðức Phật còn bảo chúng sinh muốn báo hiếu với cha mẹ thì theo cách đó mà làm. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, cứu được mẹ và giải thoát được các vong hồn bị giam ở âm cung.

Từ truyền thuyết này, lễ Vu lanhình thành. Hàng năm, đến ngày rằm tháng bảy, mọi người lại cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ơn ông bà, tổ tiên. Ðó là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành - đạo hạnh đứng đầu trong "tứ ân" của nhà Phật.

Nên làm nhiều điều tốt

Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Phật giáo Việt Nam - quan niệm của người Việt không có tháng cô hồn, mà chỉ có tháng xá tội vong nhân.

Ông bà chúng ta đều quan niệm rằng, vong linh những người quá cố được nhờ ơn đức phật theo tinh thần báo hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên mà được siêu sinh độ hóa về cảnh giới an lành. Đó cũng là lòng thương với những người chết không nơi nương tựa và cũng mong vong hồn được siêu thoát.

Đây là tinh thần bình đẳng và yêu thương của người Việt đối với người sống và cả những người chết, không phân biệt đó là người gần gũi với mình hay bên ngoài.

Phong tục người Việt không quan niệm tháng nào là cô hồn. Thay vì cúng bái, tôn thờ những điều mê tín, con người nên hướng tới những điều thiện, như xá tội vong nhân và báo hiếu với cha mẹ, ông bà.

Theo Nguyễn Thanh Điệp (Tri Thức Trực Tuyến)