Đời sống

Tháng Chạp sát nút, ai mong đến Tết mặc ai, hội các bà nội trợ ôn lại kỷ niệm sợ Tết hãi hồn

Còn những hơn 60 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán, vậy mà nhiều mẹ đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi nghĩ về một điều: sợ Tết!

Có lẽ chuyện thích Tết, mong Tết và háo hức đến Tết giờ chỉ đúng với trẻ em, còn với người lớn, "Tết" là một từ có sức mạnh kỳ lạ: vừa vui mà cũng... vừa sợ. Vui vì kỳ nghỉ lễ truyền thống mỗi năm chỉ có 1 lần, bao thế kỷ nay vẫn thế, dù là 3 tuổi hay 30 tuổi thì vẫn có cảm giác xúc động bồi hồi khi đếm qua dần những ngày cuối năm. Nhưng sợ, vì muốn ăn Tết ấm no thì phải làm việc chăm chỉ, cơm áo gạo tiền trên vai, làm người lớn đương nhiên phải gánh vác rồi, đâu có hồn nhiên như lúc bé thơ được.

Tháng Chạp sát nút, ai mong đến Tết mặc ai, hội các bà nội trợ ôn lại kỷ niệm sợ Tết hãi hồn
Tết đến nơi rồi các mẹ ạ, người ta cười còn mình muốn khóc một dòng sông! (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đấy chỉ là nỗi sợ "đại khái" với số đông người lớn thôi. Chứ nói nhỏ nhỏ ra, khổ nhất vẫn là chị em phụ nữ. Nếu đã lập gia đình rồi, Tết không chỉ là khái niệm gói gọn trong việc luộc gà nấu xôi cúng mấy ngày mùng, nó là "cơn ác mộng" với trăm nghìn thứ không tên mà chị em phải lo toan đến nỗi bạc cả tóc.

Không tin ư? Cứ thử "nhòm trộm" một vài tâm sự thầm kín của hội mẹ bỉm mà xem, mới rục rịch hết năm mà các mẹ đã rủ nhau ôn lại ký ức đau thương mấy mùa Tết từ khi lấy chồng, nghe mà vừa buồn cười vừa ngẫm. "Mở bát" cho series kỉ niệm Tết là chuyện kể khá thú vị của bà mẹ 1 con tên G.B:

"Lại chuyện Tết nhất, em nhớ nhà thật đấy. Ngày chưa lấy chồng háo hức mong Tết kinh khủng, giờ thì sợ... Kể cho các chị vụ tết cách đây 3 năm của em ở nhà chồng. Mẹ chồng em bảo tết không phải mua sắm bày vẽ nhiều đâu con ạ. Làm mấy nồi lẩu mùng 2 mọi người đến thì ăn. Mẹ chuẩn bị hết rồi, con không phải làm gì đâu. Vâng, mấy nồi của mẹ chồng em là 5 nồi!

Hôm 30 mang rau về: con ơi nhặt rửa cho mẹ. Mang thịt bò các thứ về: con ơi thái xong cất vào hộp để tủ cho mẹ. Bát đũa xoong nồi cũng: con rửa cho mẹ. Xong vụ chuẩn bị.

Tháng Chạp sát nút, ai mong đến Tết mặc ai, hội các bà nội trợ ôn lại kỷ niệm sợ Tết hãi hồn - 1

Tháng Chạp sát nút, ai mong đến Tết mặc ai, hội các bà nội trợ ôn lại kỷ niệm sợ Tết hãi hồn - 2
Tết là cỗ bàn, là ăn nhậu triền miên, là "bãi chiến trường" nối tiếp nhau từ mùng này sang mùng khác. (Ảnh minh họa)

Mùng 1 tết: làm cơm cúng, cho con ăn uống cũng một tay em lo tất, bà chỉ việc xuống thắp hương. Ăn uống dọn dẹp cũng hết ngày mùng 1, em mệt bã người. Sang mùng 2, chú bác, anh chị họ hàng nhà chồng đến. Sắp lẩu ra cũng con ơi... Dọn 5 nồi lẩu xong em ngồi xuống mút mát được tí thì con đòi đi ngủ, bế con lên gác ngủ lúc xuống nhà để ăn thì không còn 1 bóng người, nhưng 5 nồi lẩu và bát đũa vẫn còn nguyên thế, nguyên bãi chiến trường!

Thế là lại rửa dọn. Vừa rửa bát vừa khóc. Chồng cũng đi đâu không biết luôn. Vâng, đó chính là sự thật của câu: con cứ yên tâm mẹ chuẩn bị hết rồi, con không phải làm gì đâu. Hãi tết nhà chồng lắm các chị ạ!".

Không chỉ riêng G.B mà hàng nghìn nàng dâu khác cũng chung cảnh ngộ và tâm thế đón Tết tương tự. Nghĩ đến cảnh 2 tháng nữa đất trời rực rỡ vào xuân, còn thân mình thì úp mặt vào thịt mỡ dưa hành, cỗ bàn rồi bát đũa cả họ bày ra, chị em nào cũng muốn khóc một dòng sông.

Tháng Chạp sát nút, ai mong đến Tết mặc ai, hội các bà nội trợ ôn lại kỷ niệm sợ Tết hãi hồn - 3
Tết là bận trăm công nghìn việc, từ chợ búa đến lau chùi nhà cửa bếp núc. (Ảnh minh họa)

Bạn Kiều Anh thì than thở: "Mẹ nó không phải chợ búa gì là sướng rồi, mình này, phải tự bỏ tiền ra sắm từ A đến Z rồi cũng lại lủi thủi làm từ Z đến A. Như Tết năm ngoái vướng con nhỏ 6 tháng tuổi, mà vừa phải chăm con tự chuẩn bị đồ tết một mình luôn. Vậy mà vẫn bị bố chồng chửi là chẳng làm được việc gì với lề mề, chỉ vì tội gọt rau củ chưa kịp dọn lúc con khóc. Nghĩ thương ông bà ngoại, nuôi con gái lớn xong đi lấy chồng, còn phải cho con thêm tiền sắm tết cho thông gia".

Đa số chuyện của các nàng dâu đều không thấy bóng dáng ông chồng nào. Có vẻ như các mẹ mặc định lấy chồng xong thì việc quán xuyến nhà cửa, tay ôm con tay vặt lông gà là điều không thể tránh khỏi, tư tưởng "đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm" khiến chị em chẳng trông mong gì vào đức lang quân, các anh cũng kệ luôn cho vợ tự xoay sở. Tết thì dọn dẹp, sắm sửa, chuẩn bị trong nhà thôi cũng đủ trăm dâu đổ đầu tằm, thành ra, phụ nữ sợ Tết như sợ ma!

Nhiều mẹ nặng nề chuyện lễ tết là vậy, nhưng cũng có 1 bộ phận chị em góp vui nhẹ tựa lông hồng: "Tưởng oánh nhau với mẹ chồng vì không cho về ngoại hay bắt sắm tết 100 củ, chứ chuyện bị hành lên xuống vụ cơm cúng, cỗ bàn đón khách quá bình thường như cân đường hộp sữa, 10 năm làm dâu năm nào mình chả cắm mặt vào thành quen".

Tháng Chạp sát nút, ai mong đến Tết mặc ai, hội các bà nội trợ ôn lại kỷ niệm sợ Tết hãi hồn - 4
(Ảnh minh họa)
Tháng Chạp sát nút, ai mong đến Tết mặc ai, hội các bà nội trợ ôn lại kỷ niệm sợ Tết hãi hồn - 5
(Ảnh minh họa)

Cô nàng Kim Giang thì tỏ vẻ thông cảm: "Chị gái em kìa, đi làm dâu còn phải gói bánh chưng để biếu sui gia bên chồng (tầm chục nhà) và con cháu đến ăn, làm dưa món, dưa hành, cuốn chả giò cho cả hạm đội nhà nội, chẳng ai giúp cũng chả ai cảm ơn".

Một mẹ trẻ khác thì cười ra nước mắt, ái ngại cho hoàn cảnh của những nàng dâu nai lưng quần quật cả Tết: "Năm đầu tiên, sáng mùng 2 em hỏi mẹ chồng là: mẹ ơi nhà mình không cúng cơm buổi sáng à. Mẹ bảo tao cúng từ lúc mày chưa ngủ dậy. Thế là cứ Tết em với chồng đi bạt mạng, chẳng ăn cơm nhà luôn ấy. Thấy các mẹ khổ sở sống qua Tết, em cũng hãi".

Thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà cũng vài cái cám cảnh, phận làm dâu vốn chịu nhiều thiệt thòi, không khổ tâm chuyện nọ thì cũng đau đầu chuyện kia. Chăm chỉ chu toàn lo cái Tết cho gia đình thì chẳng ai trao bằng khen, nhưng lười một tí, mệt một tí, lỡ sai hỏng cái gì một tí thì y rằng bị lôi cả thế giới vào để trách móc. Lại sắp sửa năm mới đuổi đến sát nút, xin chia buồn với chị em nào ăn tết như hành xác!

Theo Lynk (Trí Thức Trẻ)