Đời sống

Tại sao người Việt ăn thịt vịt vào Tết Đoan Ngọ?

Bánh tro, cơm rượu nếp, mận, đào… là những món quen thuộc trong ngày ngày lễ giết sâu bọ. Song ở nhiều địa phương, thịt vịt cũng không thể thiếu trong ngày này.

Bánh tro, cơm rượu nếp, mận, đào… là những món quen thuộc trong ngày ngày lễ giết sâu bọ. Song ở nhiều địa phương, thịt vịt cũng không thể thiếu trong ngày này.
 
Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Trong ngày này, người dân khắp 3 miền luôn có những món ăn truyền thống.
 
Và đặc biệt, món thịt vịt - món ăn luôn bị người Việt "tẩy chay" đầu tháng, thì lại trở thành món ăn truyền thống trong ngày 5/5 Âm lịch. Món ăn này đặc biệt phổ biến ở các tỉnh miền Trung.
 
Vậy vì sao người dân chọn vịt làm món ăn "truyền thống" trong ngày này?
 
Vịt: Tên trong sách thuốc cổ là “Gia Áp,” có nơi gọi là Gia Phù, cũng còn gọi là Vụ.
 
Theo dược lý Đông y: Thịt vịt có tính chất: mát, ngọt (hơi độc), có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều (gọi là Bổ hư).
 
Thịt vịt chữa nóng sốt cao đến co giật (gọi là Sài kinh), vịt giải độc mụn sưng và hạ nhiệt.
 
Vịt có sắc vàng trắng thì có tác dụng “Bổ Trung Ích Khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí. Người ta nói “ăn thịt vịt hiền và bổ khỏe”.
 
Thông thường người ta ăn thịt vịt theo lối luộc chấm nước mắm gừng hoặc nấu cháo vịt. Vịt tiềm với sen, táo, đinh và hồi, thường gọi là vịt tiềm thuốc Bắc.
 
Vịt phải “ăn già” nghĩa là phải trưởng thành, thường là từ sáu tháng trở lên, không ăn non như gà.
 
Vì thế, trong ngày Đoan Ngọ, khí trời nóng nực (tiết Đại Thử) nhiệt độ cao, nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt – hàn giữa Trời và Người.
 

Cảnh mua bán vịt tấp nập tại một chợ ở Huế

 
Ngoài ra, bắt đầu từ mùng 5/5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa.
 
Vịt dễ dàng được chế biến thành nhiều món như quay, hông, hầm,... Món nào cũng hấp dẫn nhưng có lẽ tiết canh, vịt luộc, cháo vịt là phổ biến và ngon lại phù hợp với tính cách giản đơn của người dân lao động.
 
Ba món này nằm trong một "dãy liên hoàn" của quá trình làm và chế biến vịt.
 
Những ngày trước và trong Tết Đoan Ngọ, các chợ của miền Trung thường rất rộn rã việc mua bán vịt sống.
 
Có một số địa phương ở các vùng khác, tục ăn vịt cũng được lưu truyền.
 
Hướng dẫn làm món vịt ngon ngày Tết Đoan Ngọ
 
Thịt vịt luộc và cháo vịt làm rất đơn giản. Bỏ vịt vào nồi nước to sôi sùng sục, canh già lửa, nêm chút muối và một ít gừng để khử mùi vịt.
 
Vịt luộc ngon nếu chín  không teo tóp mà vẫn còn phổng phao, da mỡ vàng óng, có mùi thơm đặc trưng. Vịt luộc chín rồi chặt miếng vừa ăn, chấm với nước mắm gừng.
 
Sau khi đã có nước luộc thịt  thì  nấu cháo; để lửa  nhỏ cho đến khi cháo đặc quánh.
 
Cháo vịt thường nấu với nguyên liệu là gạo nếp pha lẫn đậu xanh và gạo tẻ; có thể thêm một ít gan, mề, lòng vào nồi sẽ ngon hơn.
 
Húp một muỗng cháo, gắp miếng thịt vịt chấm nước mắm gừng ăn cùng chuối chát, khế chua, rau thơm,.... vị ngọt, chua, cay nồng  còn đọng mãi trong lòng người.
 
Tổng hợp
 
Theo B.Bình (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)