Đời sống

Những hành động vô tình của cha mẹ khiến con đánh mất cuộc đời

ThS tâm lý Phạm Minh Tú, Trung tâm PSSA Việt Nam cho biết, những hành động tưởng như rất vô tình của cha mẹ lại khiến con trẻ phải sống thay cuộc đời của cha mẹ mà đánh mất cuộc đời của chính mình.

ThS tâm lý Phạm Minh Tú, Trung tâm PSSA Việt Nam cho biết, những hành động tưởng như rất vô tình của cha mẹ lại khiến con trẻ phải sống thay cuộc đời của cha mẹ mà đánh mất cuộc đời của chính mình.

Thầy Newton và các học viên trong buổi học Chữa lành và Hàn gắn gia đình. Ảnh: Hà Dương
 
Con yêu bố hay yêu mẹ?

Trong lớp học Hàn gắn và Chữa lành của hai bác sĩ Dr Newton và Dr. Lashkmi (Ấn Độ), mở tại Hà Nội vừa qua, chị Trần Oanh (ở Hà Nội) đã chia sẻ, chị chia tay chồng khi con 2 tuổi. Năm con gái 4 tuổi thì chồng cũ lấy vợ khác. Con gái chị lúc ở với bố, khi ở với mẹ. Năm con lên 6 tuổi, một lần lúc hai mẹ con vui vẻ con đã nói với mẹ: “Con thấy bố ở với vợ hai là vì bố phải ở, chứ bố rất yêu mẹ”.

Lần khác chị hỏi: “Con yêu bố hay yêu mẹ?” – “Con yêu mẹ nhất trên đời” – “Con yêu ai nữa?” – “Con yêu con” – “Xong con yêu tới ai nữa”? Lúc này trong thâm tâm chị muốn con trả lời là: “Con yêu bố”, nhưng cô con gái đã trả lời: “Con không yêu ai nữa”. Khi chị Oanh hỏi: “Con muốn ở với ai?” thì con gái chị cũng trả lời “Con muốn ở với mẹ”.

ThS tâm lý Phạm Minh Tú cho hay, với trường hợp này, bác sĩ Dr. Lashkmi kết luận cô con gái đã “mắc bẫy” mẹ. Là con thì sẽ yêu cả cha lẫn mẹ, muốn ở với cả cha lẫn mẹ. Nhưng vì mang nỗi đau của mẹ nên cô bé giận người cha, mới bảo “con không yêu ai nữa”.

Biến con thành sao

Chị Thu Thảo (ở Thanh Xuân) cũng chia sẻ câu chuyện của gia đình. Bố mẹ đặt tên chị là Thãi – bố mẹ bảo là chị sinh ra ngoài ý muốn, bởi khi đó các anh chị đều đã lớn và chị thứ ba đã được đặt tên là Thừa. Khi đi học bố chị đổi tên thành Thảo, nhưng rất nhiều người đã quen gọi chị bằng tên Thãi và suốt thời đi học không biết bao nhiêu lần chị phải khóc vì cái tên bố mẹ từng đặt.

Bố chị sợ con được chiều chuộng sẽ hư, nên dù chị là con gái, ông vẫn rèn giũa như con trai, tất tật mọi mặt từ học hành, ăn uống, tập thể lực… và bất cứ cái gì ông cũng yêu cầu chị “phải” đứng đầu. Giỏi thì được thưởng, kém thì bị phạt nặng.

Ông luôn làm chị sợ và không dám gần. Nhưng nhờ ông mà cái gì chị cũng phải cố gắng, luôn là sao trong con mắt bạn bè: Đi học chị luôn là học sinh xuất sắc trong lớp. Đi thi học sinh giỏi, thi năng khiếu hay bất kỳ cái gì chị cũng rinh giải. Thi đại học, chị đỗ điểm cao vào Trường Đại học Quốc gia và vào học khoa mà ông chọn cho chị… Tất cả mọi thứ chị căng mình răm rắp thực hiện theo yêu cầu của bố. Tuổi thơ vô tư, hồn nhiên của chị gần như biến mất, thay vào đó là một cô bé xinh xắn, nghiêm túc học giỏi với cặp kính 3,5 diop trên mặt.

Nhưng tất cả những thứ chị giành được chỉ để vui lòng bố mẹ, còn chị không hề thích ngành mình đã học. Thứ chị thích là được vẽ, được đánh đàn nhưng cha mẹ chị lại không chấp thuận cho đi học.

Còn với Trần Sang mới 15 tuổi đã sáng tạo được 2 sản phẩm khoa học, được đánh giá là có tính thực tiễn trong cuộc sống. Sang cho hay, từ bé cậu luôn được người cha động viên để học tập và sáng tạo tốt. Cha cậu rất say mê kỹ thuật điện tử, nhưng không có điều kiện để học hành và làm việc kỹ thuật. Thế là ông dồn hết ước mơ của mình sang con trai. Ngay từ bé, Sang đã được cha mua cho những đồ chơi điện tử và các loại máy móc và động viên con vui chơi, khám phá và làm quen với kỹ thuật. Học tiểu học, trong khi các bạn hì hụi mãi không lắp xong những mô hình lắp ráp trong bài tập, thì chỉ 2 phút là Sang đã lắp xong. 10 tuổi, Sang đã cùng bố tháo lắp những cái quạt trong nhà để tra dầu, bơm mỡ, thậm chí Sang còn sửa chữa được cả đường dây điện chuột cắn khi bố vắng nhà… Sang làm tất cả để cha cậu vui lòng. Tuổi thơ của cậu là học, học và trở thành sao. Những thú vui bóng đá, chạy nhảy với bạn cùng lứa… là việc ngoài lề. Mới 15 tuổi nhưng Sang lúc nào cũng như một ông cụ non.

Cha mẹ vô tình đánh mất cuộc đời của con

Theo ThS Minh Tú, trường hợp của chị Trần Oanh, Dr Lashkmi đã chia sẻ rằng, có rất nhiều người đã sai lầm khi bắt con lựa chọn cha hoặc mẹ, bởi đó là nỗi đau lớn vô cùng với đứa trẻ. Tại các phiên tòa, sau khi chính thức cho hai người ly hôn, kết thúc phiên tòa bao giờ đứa trẻ cũng được hỏi sẽ “chọn ở với ai, bố hay mẹ?”. Điều đó thật sai lầm và kịch tính, bởi tại sao lại phải bắt con chọn cha hay chọn mẹ? Cha mẹ như hai con mắt, con mắt nào cũng quan trọng như nhau, tại sao lại bắt con phải chọn một? Và trong gia đình cũng thế, cha muốn con theo cha, mẹ muốn con theo mẹ và nếu cả cha, mẹ đều hỏi con yêu cha hay mẹ thì buộc đứa trẻ phải “hy sinh” để tạo cân bằng, hàn gắn cho cha mẹ mình. Nếu quy trình này cứ diễn ra thường xuyên và lâu dài sẽ làm mất cuộc đời của trẻ.

Ngoài ra, việc để con đánh mất tuổi thơ để thành sao (đó là trường hợp của chị Thãi và cháu Sang) cũng là điều rất không nên. Lúc này, con cái không phải sống cuộc đời của mình mà là sống cuộc đời của người bố. Người bố luôn nhắc nhở con phải làm việc này, việc kia cho gia đình, lúc nào cũng phải cố gắng giỏi giang, giữ thể diện cho gia đình… Như thế là con đã sống cho cuộc đời người bố, làm những việc từng là ước mơ mà người bố không làm được. Như thế con trẻ đã đánh mất cuộc đời của mình và dù con cũng có những đam mê lớn thì cũng dần mất đi – bởi nó đã sống cho kỳ vọng của bố mẹ. Điều này rất nguy hại vì khi bé thì sống làm hài lòng cha mẹ, lớn lên chúng sẽ sống để làm hài lòng người khác, chứ không phải sống cuộc đời của chúng.

Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã phối hợp với Trung tâm PSSA Việt Nam mời hai bác sĩ Ấn Độ Dr. Newton và Dr. Lashkmi thuyết giảng chương trình Hàn gắn và Chữa lành cho những đứa trẻ.

Quan trọng nhất với đứa con là được cha, mẹ yêu thương và nhìn thấy cha mẹ yêu thương nhau. Nếu cha mẹ không hài hòa, thì những hành động vô tình (hay còn gọi là “cái bẫy”) rất tai hại, biến những đứa trẻ thành những người cha mẹ, những người già bất đắc dĩ. Theo Dr Newton và Dr. Lashkmi, những sự bất hòa cãi vã đánh nhau của bố mẹ mãi mãi đi vào tiềm thức của con cái. Nếu không được “hóa giải” sẽ làm thui chột tâm hồn và ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ thơ khi lớn lên.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người)


Theo D. Hà (Gia Đình & Xã Hội)