Đời sống

Nhà tôi sống 'lay lắt' khi nhịn tiêu để trả nợ trước hạn

Dù tôi đã cố chắt bóp chi tiêu, chồng vẫn cho rằng hoang phí và bắt phải lập bảng excel ghi rõ những gì đã mua trong tháng.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Tuệ Lâm, 37 tuổi ở Vũng Tàu về những thay đổi, căng thẳng trong gia đình khi chồng cố gắng cắt giảm mọi chi tiêu để rút ngắn thời gian vay trong khi vợ nghĩ có thể trả nợ lâu hơn để duy trì nếp sinh hoạt thoải mái hiện tại. 

Vợ chồng tôi đều đi làm công ăn lương, thu nhập khoảng 30 triệu mỗi tháng. Chúng tôi có một căn nhà nữa đang cho thuê được 10 triệu/tháng nên nói chung trước nay cuộc sống khá thoải mái. Giữa năm 2016, vợ chồng tôi quyết định bán ngôi nhà nhỏ đang ở để mua mảnh đất rộng tại khu có hạ tầng tốt, vị trí thuận lợi hơn. Thiếu tiền xây nhà mới, chúng tôi phải vay ngân hàng 600 triệu đồng, tính lãi ưu đãi 7,5% một năm, từ năm thứ hai lãi thả nổi là lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng 3,5%. 

Mặc dù hợp đồng tín dụng ghi là khoản vay 10 năm nhưng sau khi xem phần lãi chẳng kém phần gốc bao nhiêu nếu tới hạn mới trả hết, chồng tôi quyết tâm phải cố gắng hết nợ trong 3 năm. 

Nhà tôi sống 'lay lắt' khi nhịn tiêu để trả nợ trước hạn
Ảnh minh họa: Heraldstandard.

Bản thân tôi nghĩ khác. Số nợ không đáng bao nhiêu so với tổng tài sản vợ chồng tôi đang có (hai ngôi nhà của chúng tôi giờ trị giá gần 5 tỷ đồng). Chỉ riêng khoản tiền cho thuê nhà đã đủ trả ngân hàng mỗi tháng nên chúng tôi hoàn toàn có thể sống thoải mái với lương và để ra vài triệu. Không những thế, mỗi năm, tổng hai vợ chồng cũng được thưởng khoảng 60-80 triệu nữa nên không cần quá kham khổ thì chỉ 5-6 năm là chúng tôi sẽ hết nợ. 

Chồng tôi lại cho rằng, trả càng sớm thì lãi chịu càng ít và mình càng lợi. Anh cũng muốn nhanh hết nợ để tiếp tục vay trả góp mua ôtô. Trong khi đó tôi thấy ôtô thực sự chưa cần thiết cho gia đình mình. Nhưng dù tôi nói thế nào, anh xã vẫn không nghe. 

Và anh bắt đầu từ việc thay đổi lối sống của chính mình. Bữa sáng, thay vì ra ngoài ăn hàng, chồng tôi chỉ ăn ở nhà hoặc vội quá thì mua tạm gói xôi, cái bánh mỳ. Anh cai hẳn khoản sắm đồng hồ hiệu, quần áo đắt tiền. Anh nói cả nhà cùng phải thực hiện tiết kiệm như vậy. Khoản duy nhất không đổi trong nhà tôi là 8 triệu đồng chi đóng học và mua sữa cho hai con.

Các khoản vui chơi, giải trí tạm ngưng. Trước đây, mỗi lần đi siêu thị, các con sẽ được ba mẹ mua cho một món đồ chơi rồi có khi đưa đi ăn nhưng nay thì chỉ mua đúng món đồ gia đình đang cần rồi về thẳng. Cuối tuần cũng không có chuyện đi ăn hàng hay đến khu vui chơi. Cả nhà tôi cũng không đi du lịch đâu nữa, chỉ cho các con tham gia khi cơ quan chồng hay vợ tổ chức. 

Về phần tôi, dù cố gắng thế nào với các khoản chi cho gia đình, tôi cũng không thể tiêu dưới 7 triệu. Anh xã thấy vậy liên tục cằn nhằn, nói vợ tiêu hoang khiến tôi phải lập hẳn bảng ecxel những thứ đã mua. Anh xem thấy các khoản tôi tiêu đều chính đáng nhưng vẫn lầm bầm nhắc tôi phải "cố cắt giảm thêm". Tôi thực sự thấy bí bách và khó chịu vô cùng. 

Nhiều tháng, lương vừa về chồng tôi đã "ngắt ngọn" nên sau đó khi gia đình có việc phát sinh thì tôi lại phải lao đao cấu véo từng đồng, thậm chí vay mượn của đồng nghiệp 1-2 triệu để lay lắt sống tới kỳ lương kế tiếp. Tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải quá chắt bóp vì mục tiêu của anh xã.

Với tiêu chí cắt nợ càng nhiều càng tốt, trong năm đầu tiên vay, chúng tôi đã trả được 100 triệu đồng. Chồng tôi đang tính khoản thưởng cuối năm nay sẽ dồn vào trả thêm một cục nữa, gia đình không mua sắm gì thêm. Tôi bất bình thì chỉ khiến vợ chồng cãi nhau chứ anh không thay đổi quyết định. 

Quả thực áp lực phải trả nợ nhanh đã khiến chồng tôi thay đổi rất nhiều. Trước anh chi tiêu rất thoáng, thường xuyên cho, biếu quà hai bên nội ngoại. Giờ anh hay cau có, tính toán, rất ít khi chi tiền hay mua quà cho người thân. Tôi dù không đồng tình với cách sống này nhưng tài chính vợ chồng chung nên vẫn phải theo anh, chỉ biết góp ý, phân tích. 

Nghĩ tới cảnh trả xong tiền xây nhà, chồng lại tiếp tục vay mua xe và theo guồng dồn hết các khoản vào việc trả nợ, tôi thực sự ngán ngẩm. Cuộc sống thực sự đâu biết sau này ra sao. Tôi không hề muốn phải hy sinh hiện tại như thế này để đợi một ngày xa xôi nào đó có đầy đủ, không nợ đồng nào nữa mới được hưởng thụ. 

Theo chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, (TP HCM), người vay nợ dài hạn luôn luôn có áp lực về tâm lý. Vay với lãi suất thả nổi thì áp lực đó càng lớn hơn. Những người đã vay ngân hàng khoảng năm 2010 đều điêu đứng khi lãi suất thả nổi vọt lên hơn 20%/năm.

Các nhà phân tích dự báo sang năm lạm phát có tăng nhẹ, kéo theo việc lãi suất tiền gửi và tiền vay đều có thể tăng. Như vậy, người đi vay lo lắng và muốn trả nợ nhanh trước hạn là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể nếu tình hình lãi suất biến động mạnh (gọi là khủng hoảng) thì rất khó dự báo chính xác.

Chuyên gia cho rằng, trong gia đình, việc cắt giảm những chi tiêu không quan trọng để ưu tiên trả nợ là cần thiết. Tuy nhiên, thắt chặt quá mức và đột ngột thì không nên vì tạo cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, dễ gây xung đột giữa các thành viên.

Trường hợp hai vợ chồng trong bài viết thì mỗi người đều có lý khi người vợ muốn giữ mức sống ổn định còn anh chồng quyết trả dứt nợ sớm. Vấn đề là cả hai cần khéo léo tìm điểm chung, mỗi bên nhường một chút để cùng đạt được mục tiêu là giữ gìn tổ ấm, ổn định tài chính gia đình. Dù vậy, nếu người chồng đừng nêu lên kế hoạch mua xe trả góp sau khi dứt nợ xây nhà thì người vợ sẽ dễ thông cảm hơn.

Theo Tuệ Lâm (VnExpress.net)