Đời sống

Người viết "lá đơn xin cho con học dốt" nói gì?

"Đơn xin cho con tôi học dốt" của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch đăng tải trên Facebook cá nhân đã làm "dậy sóng mạng" 24h qua.

 

"Đơn xin cho con tôi học dốt" của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch đăng tải trên Facebook cá nhân đã làm "dậy sóng mạng" 24h qua.

Trong bài viết của mình, nhà văn trẻ đã kể câu chuyện một người mẹ luôn so sánh con mình với con người khác, con nhà mình không bằng con nhà người ta để rồi bé không bao giờ nhận được lời khen nào thay vào đó là những lời trách cứ vì sao, vì sao.

Từ đó, đứa con rơi vào trạng thái trầm cảm: "Cháu cố tự tử đêm qua... Liên tục đập đầu vào tường, rất mạnh, cả tôi và chồng đã phải giữ cháu lại, ôm cháu vào lòng, hỏi han cả đêm... Cháu mới thú nhận, dù học thêm rất nhiều, nhưng rồi điểm số của cháu cũng chỉ lẹt đẹt, vì tới tối, lúc lê tấm thân tới trung tâm, cháu chỉ còn đủ sức để gục đầu và ngủ mê mệt dưới bàn...", Nguyễn Ngọc Thạch viết.

Và sau khi chứng kiến những hành động "điên cuồng" của con, cuối cùng người mẹ này đã viết lên những lời xin lỗi, nhận khuyết điểm về mình. Và tha thiết xin cho con mình thành học sinh dốt.

Bài chia sẻ của nhà văn trẻ gây bão mạng 24h qua.

Chỉ chưa đầy 24h chia sẻ, bài viết này đã nhận được hơn 30 ngàn lượt xem và hàng ngàn bình luận của cộng đồng mạng với những ý kiến trái chiều.

Tran Thi Nhung bình luận: "Tôi thấy nhiều phụ huynh như vậy, bắt con học thêm đủ thứ, quá kỳ vọng vào con, gây áp lực lớn mà không quan tâm con muốn gì, phụ huynh như vậy thật sai lầm và tội nghiệp những đứa trẻ không thể nào thoát ra khỏi mong muốn tột bậc của cha mẹ. Con tôi nay lớp 9, chưa bao giờ đi học thêm, tôi thấy mình dũng cảm và đúng, tự thấy con là đứa trẻ may mắn, hạnh phúc, các bạn gato với con tôi để thấy rằng bọn trẻ đâu thích học thêm như bố mẹ nó. Môn nào thích thì học nhiều còn không thích chỉ cần qua 5, mẹ con tôi là như vậy. Phụ huynh nhìn xuống để yêu con, đừng ngửa mặt lên trời con đâu phải thần thánh".

Facebooker Le Quynh thì chia sẻ: "Thay mặt những học sinh như con con cảm ơn cô đã viết và hiểu những nỗi lòng học sinh chúng con. Con cô thực sự giống con, con cũng học rất tốt nhưng đến năm lớp 9 thì xuống dốc, trượt cấp 3 không vừa ý gia đình điều đó đã khiến con tuyệt vọng rất nhiều. Bố mẹ cũng chì chiết bản thân con nhiều hơn nó đã khiến con bị trầm cảm và có xu hướng hành hạ bản thân. Con đã thử tự tử, bỏ nhà nhưng không thành, con chỉ biết khóc lấy dao rạch đùi, tự hành hạ chính bản thân mình.

Những lúc như vậy con thấy thoải mái lắm cô ạ! Những ước mơ đam mê của con cũng bị chính bố mẹ dập tắt và cho nó là vô bổ, không nên người. Càng ngày tự hành hạ bản thân nhiều hơn, con cố nói nhưng không ai tin rồi ngày ngày con lại khiến con suy sụp hơn rất nhiều, con cô thật may mắn. Con đang tự kéo mình lên vũng bùn đó và tự tạo niềm vui cho mình, thôi thì tự mình làm mình vui cô nhỉ. Đọc dòng tâm sự của cô con ghen tị, thông cảm, xúc động nó lẫn lộn quá. Dù gì cũng cảm ơn cô cảm ơn cô rất nhiều vì nói lên những tâm sự của chúng con".

Lộc P. cũng viết: "Thật đau lòng khi cứ thấy bất cứ bậc cha mẹ phụ huynh nào cũng nghĩ con mình hoàn hảo, cố gắng ép buộc nó theo một điểm đến mà phụ huynh đặt ra...".

Sáng ngày 8/9, anh Nguyễn Ngọc Thạch - tác giả của "lá đơn xin cho con học dốt" đã có những chia sẻ với PV Báo Người Đưa Tin.

Nhà văn trẻ bày tỏ rằng: "Lá thư "Xin cho con tôi học dốt" là câu chuyện mình gom và viết giùm nỗi lòng của nhiều chị bạn đang đau đầu vì chuyện học tập của con mình mỗi ngày, cũng như chuyện của em gái mình, em họ mình phải đối mặt với áp lực học hành, thi cử và gia đình ra sao".

Anh Nguyễn Ngọc Thạch.

Khi đăng tải bài viết trên, điều mà anh Thạch muốn nhắn gửi đến các bậc phụ huynh đó là dành nhiều thời gian cho con mình hơn, đừng đẩy hết trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, thầy cô.

"Hãy quan sát, hiểu rằng con mình là một cá thể độc lập và duy nhất về suy nghĩ, tìm hiểu, nói chuyện, chia sẻ và định hướng, hiểu rõ nhu cầu của con và có cách dạy con phù hợp, không phải đem cách giáo dục con của người này áp lên con của mình thì sẽ thành công", anh Thạch cho hay.

Bên cạnh đó, theo anh Thạch không nên áp đặt tư duy học cuối cùng để kiếm tiền, có việc làm..mà học là để bản thân hiểu hơn về con người, về cuộc đời và từ đó mỗi con người sống bao dung hơn, hạnh phúc hơn.
 

Theo Thanh Lam (Nguoiduatin.vn)