Đời sống

Mẹ Sài Gòn giúp con vượt qua sự kỳ thị con lai

Con bị bạn bè gốc Hàn bắt nạt vì bé là con lai người Việt, chị Hương đã phân tích để bé tự tin, bảo vệ lẽ phải.

Từng khó xử, đau lòng khi con bị bạn bè người Hàn phân biệt là con lai, sau thời gian đấu tranh bằng sự mềm mỏng, khéo léo, chị Hương (36 tuổi, huyện Nhà Bè, TP HCM) đã yên tâm khi đăng ký cho con trai 8 tuổi, con gái 7 tuổi học ở Trường quốc tế Hàn Quốc. Mỗi cuối tuần, chị còn đưa hai con đến các chương trình do cộng đồng người Hàn tại TP HCM tổ chức, giúp các bé tự tin, hòa mình vào văn hóa quê nội. 

Chồng tôi là một kỹ sư xây dựng người Hàn quốc. Trước khi gặp tôi, anh quen bạn gái trong nước, xinh đẹp và tài năng. Biến cố xảy ra, chị ấy không còn nữa. Hơn hai năm liền, anh chỉ biết tìm đến rượu, nhiều lần tự tử không thành. Một lần, tỉnh dậy sau cơn say, nhìn thấy mẹ ngồi ở một góc nhà khóc, anh mới nhận ra mình còn nhiều điều để quan tâm, yêu thương hơn. 

Anh quyết định sang TP HCM học tiếng Việt để chuẩn bị cho việc đầu tư sau này và gặp tôi, lúc đó, đang là sinh viên năm ba của một trường đại học. Kết hôn với anh, tôi được gia đình chồng tôn trọng vì có học thức, thạo hai ngôn ngữ: Anh, Hàn. Dù vậy, mỗi khi về thăm quê chồng, tôi bị áp lực rất nhiều. 

Mẹ Sài Gòn giúp con vượt qua sự kỳ thị con lai
Ảnh minh học. nishimoto-cl

Ở Hàn Quốc, con gái rất có giá. Khi lấy chồng, họ phải nắm trong tay ba chìa khóa: nhà, ngân hàng và ôtô. Có nghĩa là, đàn ông Hàn muốn lấy phụ nữ nước mình làm vợ thì phải có tài sản, bằng cấp và công việc trong cơ quan nhà nước hoặc kỹ sư, luật sư, bác sĩ... Những người đàn ông nghèo, lao động chân tay, muốn lấy vợ nước mình rất khó. Họ thường phải bỏ tiền nhờ môi giới tìm vợ ở nước ngoài. 

Chồng tôi có đủ ba yếu tố trên, nhưng anh lấy vợ Việt, vì thế, việc tôi bị người bản xứ phân biệt là điều hiển nhiên. Điều tôi buồn là họ nghĩ, tôi không biết tiếng Hàn, lấy chồng vì kinh tế nên đôi khi dùng những lời khó nghe để nói chuyện. Ngay cả những người ở cùng chung cư với tôi, sang TP HCM định cư và làm việc cũng có ứng xử tương tự.

Ban đầu, tôi rất giận và sốc. Nhưng khi được chồng đứng ra bảo vệ và vận dụng kiến thức vốn có để ứng xử, tôi đã nhẹ nhàng vượt qua. Khi biết tôi có bằng luật, giao tiếp tốt tiếng Anh, nhiều người rất tôn trọng, nhờ làm việc này việc kia. Tôi vui vẻ nhận lời và nhiệt tình giúp đỡ.

Điều làm tôi băn khoăn là trong các trường học Hàn Quốc có sự phân biệt rất rõ giữa nhóm con gốc Hàn và nhóm con có ba mẹ là người nước ngoài.

Tại các buổi sinh hoạt và nơi công cộng, những đứa trẻ như con tôi cũng không được tôn trọng. Quan điểm đó còn ăn sâu vào suy nghĩ non nớt của nhiều trẻ Hàn. Nói thật, mới đầu, tôi chỉ dám cho con học ở trường Việt vì sợ chúng sẽ sốc vì bị phân biệt. Thế nhưng, cứ như vậy thì không công bằng với chồng.

Sau khi chuẩn bị hết tâm lý, tôi đăng ký cho con học ở Trường quốc tế Hàn Quốc gần nhà. Thế nhưng, điều tôi lo lắng cũng xảy ra. Nhiều lần nhìn con ôm mặt khóc, nhất định không chịu đi học, vì sợ bạn bắt nạt thấy rất thương và tội nghiệp, nhưng tôi chỉ biết động viên, tìm những điều tốt ở đó phân tích.

Một lần, đang chơi với các bé cùng chung cư thì Chun - con trai tôi - tức tối chạy đến ôm mặt khóc, kể với mẹ bị mấy anh chị lớn tuổi hơn bắt nạt. Tôi đến giải thích cũng bị nhại lại. Các bé cho rằng tôi không biết tiếng Hàn, Chun là con lai thì đáng bị như thế. Nghĩ nếu mình cứ nhẫn nhịn thì con sẽ mãi sống trong sợ hãi, tôi quyết định đi gặp cha mẹ mấy bé kia nói rõ quan điểm và đề nghị họ hãy giúp con nhận ra điều gì nên làm. Đồng thời, tôi cũng đưa ra những câu chuyện về lòng dũng cảm, biết bảo vệ lẽ phải kể cho con nghe.

Thật bất ngờ, điều đó đã có kết quả. Mới đây, Chun được một bạn có cha mẹ là người Hàn, ở gần nhà mời đến dự sinh nhật. Bữa tiệc đang vui vẻ thì một cậu bé đến muộn, nhưng phải đứng ở ngoài. 

Thấy vậy, Chun thắc mắc: “Sao không cho bạn ấy vào”. Một vài bé đáp: “Không được, mẹ nó là người Việt”. Con tôi quả quyết: “Nếu không cho bạn ấy vào thì tớ sẽ về” và cháu làm thật.

Ngày chủ nhật mới đây, tôi đang làm việc trên máy tính thì một bé gái ôm ngực khóc, Chun cũng vậy. Thì ra, trong quá trình chơi, một bé khác có ba là người Việt bị các chị bắt nạt, Chun đứng ra bệnh vực. Do không kiềm chế được, Chun đánh bạn một cái và bị đánh lại. Sau khi được phân tích, cả hai đã xin lỗi nhau. Nhưng vì muốn chấm dứt việc tương tự, tôi đưa con đi gặp mẹ bé gái xin lỗi lần nữa và thật vui khi họ cũng hứa, sẽ uốn nắn con lại.

Những hành động của con làm tôi rất bất ngờ, nhưng lại rất vui khi bé đã tự tin, biết dứt khoát với những điều không hợp lý. Dù vậy, tôi sẽ giúp con biết tiết chế cảm xúc, giải quyết sự việc tương tự trong hòa bình, thay vì bạo lực.

Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc thực hiện năm 2010, khoảng 42% học sinh lớn lên trong các gia đình đa văn hóa bị bạn bè chế giễu. Còn cuộc khảo sát của chính quyền thành phố Seoul cho thấy 4 phần 5 số thanh thiếu niên vốn là con lai không đến trường do bị bắt nạt.

Ông Yoon Pyung-joong, giáo sư triết học tại Đại học Quốc gia Kangwon, Hàn Quốc cho rằng, nguyên nhân tình trạng trên là do quan niệm đồng nhất về sắc dân và văn hóa của Hàn Quốc đã ăn sâu trong tâm trí người dân, vì thế, họ không xem trẻ em lai là những người thuần Hàn Quốc. 

* Tên nhân vật đã thay đổi
 

Theo Thảo Nguyên (VnExpress.net)