Đời sống

Kinh nghiệm "xương máu" của bà mẹ con 8 tháng thay 7 ôsin

Chọn được người giúp việc cho con sau thời gian nghỉ thai sản không dễ chút nào.

Chọn được người giúp việc cho con sau thời gian nghỉ thai sản không dễ chút nào.

Với thâm niên "bé 8 tháng thay 7 đời người giúp việc", bà mẹ trẻ T.Châu (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ đến chị em những "kinh nghiệm xương máu" để tìm được cho mình giúp việc chăm trẻ phù hợp nhất với con và gia đình.

Chị Châu và con trai đã trải qua quá trình "chọn lọc" người giúp việc vô cùng gian nan vất vả.
 
Chị đã trải qua "7 đời" người giúp việc như thế nào?

Thật là một quãng thời gian vất vả và "khó quên" trong cuộc đời làm mẹ của tôi. Người giúp việc đầu tiên ở gia đình tôi từ lúc tôi sinh đến khi con trai ở tháng thứ 3 thì bất đồng quan điểm vì người giúp việc mà không "biết việc". Người tiếp theo có dấu hiệu gian dối. Người thứ 3 thật đáng sợ vì... quát vợ chồng tôi xơi xơi, chê đủ thứ trong nhà, đòi mua thức ăn ngon, quần áo đẹp.

Người thứ 4 rất ngọt miệng nhưng nấu cháo cho con trai tôi kèm theo... trứng gián. Người thứ 5 mỗi tháng xin nghỉ...1 tuần. Người thứ 6 tôi thuê qua dịch vụ môi giới, vì không thỏa thuận trước nên khi người giúp việc không làm đúng hợp đồng và bỏ về, tôi mất đi một khoản. Đến khi con trai tôi 8 tháng, tôi có người giúp việc thứ 7 và cũng mới bắt đầu đi làm lại. Người giúp việc này ở với gia đình tôi đến bây giờ.

Kinh nghiệm "đầy mình" như thế, hẳn chị có nhiều "bí kíp" trong việc chọn người giúp việc?

Chọn người giúp việc ưng ý không dễ. Không nên để đến khi quá gấp gáp, chỉ còn 1, 2 tuần nữa phải đi làm bạn mới “rối rít” tìm người giúp. Đẩy mình vào tình trạng "nước đến chân mới nhảy" như thế sẽ khiến người giúp việc không có cơ hội làm quen với nếp sinh hoạt của gia đình/ thói quen tính cách của em bé, vừa khiến bạn không có thời gian hiểu rõ người giúp việc, không chọn được người tốt nhất cho con.

Theo chị, nên chọn người giúp việc cho con là người quen hay người lạ?

Nếu chọn người quen (họ hàng xa hoặc người được giới thiệu), các bạn sẽ cảm thấy “yên tâm” phần nào khi giao con cho giúp việc/ bảo mẫu. Tuy nhiên, nếu chọn người quen, bạn sẽ đứng trước “nguy cơ” nể nang, ngại ngần khi giao việc, “nhịn nhau như nhịn cơm sống”. Không ưng ý cũng lăn tăn việc “chấm dứt” hợp đồng. Do đó, “người quen” không hẳn là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Nếu chọn người giúp việc là người lạ (thường được môi giới qua trung tâm), các bạn cần tìm hiểu kỹ, giữ hồ sơ/ chứng minh thư của người giúp việc. Lưu một tấm ảnh chân dung phòng khi có việc không mong muốn.

Bé trai của chị rất kháu khỉnh và hay cười.
 
Chị làm thế nào để sử dụng người giúp việc một cách hiệu quả nhất?

Ngay từ ngày đầu tiên làm việc, bạn cần thỏa thuận rõ các điều khoản với người giúp việc, một cách thẳng thắn, rõ ràng, không cả nể. Sếp nói chuyện với bạn thế nào trong ngày đầu làm việc, bạn nói chuyện với người giúp việc như thế. Các điều khoản cần thỏa thuận là:

-  Lương: Bao gồm lương cứng và thưởng. Gía lương cứng cho người giúp việc hiện nay từ 3- 3,5 triệu tùy diện tích nhà và độ tuổi em bé. Thưởng sẽ có nếu người giúp việc làm tốt, thưởng bao nhiêu tùy tình hình. Như thế, người giúp việc mới có trách nhiệm và cố gắng.

- Công việc trong nhà: "Bí quyết" cho "các mẹ" là mọi việc khó khăn nói ngay từ đầu, yêu cầu làm ngay từ ngày đầu. Vd: Bạn có thể nói rằng em bé nhà bạn khó tính, thức đêm, lười ăn, đêm phải phụ bế (mặc dù có thể không cần). Sau đó, mọi việc không khó khăn như bạn nói, người giúp việc sẽ thoải mái vì xác định trước là vất vả mà thật ra nhàn hơn.

- Không chia việc: Người giúp việc đi làm, và đó là việc của họ. Ví dụ bạn cần người giúp chăm em bé và làm việc nhà, người nào bảo chỉ chăm được em bé, bạn nên chọn người khác luôn.

- Số lượng ngày nghỉ trong tháng: Cũng như bạn, nên để người giúp việc nghỉ 12 ngày/ năm. Nếu nghỉ quá số ngày, bạn trừ vào lương.

Mối quan hệ giữa gia đình - người giúp việc vốn không bao giờ bình yên. Chị tin tưởng bao nhiêu % vào người giúp việc?

Chỉ khoảng 50% là nhiều. Dù là người quen, hay qua môi giới, bạn cũng cần luôn luôn đặt mình trong tình trạng cảnh giác cao độ. Tốt nhất, nên lắp camera ở phòng mà bé hay sinh hoạt và phòng người giúp việc. Tiền và tài sản để ở nơi an toàn. Khi đi làm, nên khóa cửa phòng riêng.

Ngoài ra, nếu gia đình bạn có người nhàn rỗi, bạn nên nhờ họ năng "tạt qua" chơi với em bé, tiện thể giám sát người giúp việc. Người giúp việc biết có người hay qua chơi, họ sẽ cẩn trọng hơn trong việc nhà và đối xử với em bé.

Tìm được người yêu thương và chăm sóc con chu đáo như mẹ không phải dễ.
 
Khi nào thì chị biết đây là người giúp việc đáng "báo động"

Bạn cần xem lại người giúp việc gia đình mình, khi có những dấu hiệu sau:

- Con mệt mỏi,hay dụi mắt, mắt đỏ: Nếu con chưa biết nói, những dấu hiệu trên cho thấy bé đã khóc rất nhiều.

- Con sợ sệt, quấn bố mẹ khác thường, chỉ dám chơi đùa khi bố mẹ về: Những dấu hiệu trên cho thấy bé bị "khủng bố tinh thần". Có thể không bị đánh, nhưng bị dọa nạt.

- Trên người bé có vết bầm tím: Dù thế nào, bạn cũng nên chịu trách nhiệm việc tắm cho bé hàng ngày. Vừa trò chuyện với con, vừa xem cơ thể bé có bị thương tổn, trầy xước không. Nếu có, vết thương là do nghịch ngợm, va quyệt hay do bị đánh.

- Tài sản, quần áo, đồ dùng riêng của bạn có dấu hiệu bị xâm phạm.

Cám ơn chị về những chia sẻ hữu ích. Chúc chị và gia đình nhỏ nhiều may mắn và hạnh phúc!
 
Theo Mai Phương (Khampha.vn)