Đời sống

Hoa hậu hút thuốc và câu chuyện thần tượng của trẻ con

Một buổi sáng, bỗng nhiên cái tên của một cô hoa hậu lại được nổi lên trên thanh tìm kiếm, chỉ khác là hình ảnh đi kèm không được “đẹp đẽ” cho lắm. 

Một buổi sáng, bỗng nhiên cái tên của một cô hoa hậu lại được nổi lên trên thanh tìm kiếm, chỉ khác là hình ảnh đi kèm không được “đẹp đẽ” cho lắm. Hình ảnh của cô gái này, trong 1 cái clip dài 2 phút hay 1 đoạn cắt cúp lại hoặc trong vài cái ảnh được cắt lại, được nhấn đi, nhấn lại vào hành động được cho là, vội vàng dấu cái tay đang cầm điếu thuốc cháy dở.

Tất nhiên, ngay sau đó, cô ấy đã xin lỗi. Đại loại có một số ý rằng “đã không thận trọng khi để lộ cá tính…” và thành thực “Duyên  nhận ra khi đã đội chiếc vương miện trên đầu càng phải sống có trách nhiệm hơn, kể cả trong cuộc sống cá nhân”.

Nhưng chưa được, người ta vẫn đang giận dữ, và đòi cô ấy trả vương miện.

Không bàn chuyện hút thuốc, vì dù gì đi chăng nữa, theo “chứng cứ” được vạch ra thì cô hoa hậu này đã hút thuốc nơi công cộng (chắc là quán xá) và đã hút trong trạng thái gây ảnh hưởng đến nhiều người (vì phòng có điều hòa)… Dù chưa nhìn rõ cái biển “No smoking” nào nhưng như thế cũng là không đúng, nhất là khi cô ấy là hoa hậu thì lại càng không thể chấp nhận được. Cũng đúng, cô ấy, hình như đang đại diện cho “bộ mặt” của tất cả phụ nữ Việt Nam.

Ảnh cắt từ Clip. I.T

Dẫu vậy, dù cũng là phụ nữ, nhưng tôi chưa thấy người bạn quốc tế nào của mình nói rằng: “Hoa hậu nước mày đẹp thế chắc phụ nữ nước mày cũng phải đẹp lắm” hay “Hoa hậu nước mày hiền dịu thế chắc phụ nữ nước mày cũng phải hiền dịu lắm”… thế nên tôi trộm nghĩ, chắc họ cũng chả nói “Hoa hậu nước mày hút thuốc thế chắc phụ nữ nước mày cũng hút thuốc kinh khủng lắm”.

Cũng có thể tôi đánh giá vị trí hoa hậu đơn giản quá

Để chắc chắn hơn, tôi phải vội tra từ “hoa hậu”, có một vài nghĩa thế này: Hoa đẹp nhất trong các loài hoa; Người chiến thắng trong các cuộc thi sắc đẹp; … và thở phào có khi mình cũng chưa đến nỗi nông cạn lắm.

Tôi chợt nhớ về một câu chuyện hồi nhỏ của mình. Tôi rất yêu nghề giáo và có một tình cảm đặc biệt, gần giống như sự tôn thờ với các cô giáo của mình. Năm đó, khi tôi học cấp 1, trong 1 lần đi chợ cùng mẹ, tôi thấy 1 người phụ nữ chở 1 gánh rau, cúi gằm mặt và che 1 cái nón sùm sụp đi len nhanh về phía cuối chợ. Mẹ con tôi cũng đi về phía đó nên tôi nhanh nhảu kéo mẹ theo. Đến đoạn người phụ nữ đó ngồi, tôi cúi mặt dòm bằng được và nhận ra đó là cô giáo dạy mẫu giáo của mình. Và tôi khóc. Cả mẹ và cô giáo của tôi đều luống cuống…

Khi đó tôi khóc, vì tôi cho rằng cô giáo mà đi bán rau là việc rất xấu. Dù mẹ đã nói, cô bán rau là chuyện bình thường và do gia đình cô đang rất khó khăn nhưng phải rất lâu sau đó, tôi mới hiểu. Hình như là khi tôi học bài gì đó liên quan đến việc “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”.

So sánh chắc là khập khiễng vì cô giáo tôi bán rau nhưng không “ảnh hưởng gì đến những người xung quanh”, còn bạn hoa hậu kia thì có. Và cô giáo tôi chỉ là thần tượng của riêng tôi.

Dẫu vậy, khi hiểu ra, tôi vẫn nghĩ rằng, cô giáo không chỉ là cô giáo của riêng tôi mà còn là vợ, là mẹ, là bạn, là đồng nghiệp, thậm chí là 1 bà phụ nữ hay than thở trong 1 nhóm thân nào đó.

Bạn hoa hậu kia, cũng có thể là 1 cô gái trẻ suồng sã hay chán nản đang trong câu chuyện với 1 cô bạn thân nào đó thì sao? Tôi chả biết, chả quen, chả quan tâm nên cũng chả bênh cô hoa hậu xinh đẹp kia. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, có khoảnh khắc đó cũng… chả sao?

Cô ấy ngồi 1 góc với bạn chứ có đăng đàn, đội vương miện mà hút thuốc đâu? Chẳng qua, là không may mắn có bạn nào đó quay được và tung lên mới thành ra rộng rãi như thế. Mà nếu “mốt” này còn nóng thì quả thật có lẽ cô bé hoa hậu này sẽ còn phải rút kinh nghiệm nhiều lần, hoặc giả, phải kiếm cái gì nằng nặng đội lên đầu 24/24 giờ để nhắc “mình đang là hoa hậu”.

Cái vương miện nặng thế và tôi cũng trẻ con thế đấy!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Theo Huệ Tâm (Dân Việt)