Đời sống

Hãi hùng bể bơi công cộng

Nước giải, mồ hôi, thậm chí bệnh da liễu, bệnh phụ khoa… đều được người tắm “hưởng” trọn từ bể bơi công cộng.

Nước giải, mồ hôi, thậm chí bệnh da liễu, bệnh phụ khoa… đều được người tắm “hưởng” trọn từ bể bơi công cộng.

Sự việc nhiều người leo rào vào tắm miễn phí ở Công viên Hồ Tây mới đây đã gây làn sóng tranh cãi về hiệu ứng thích miễn phí và có nên “sống chết” để được tắm ở những bể bơi công cộng?
 
“Mùa hè đến rồi, bà con đi bơi nhé. Tôi thì xin kiếu”. Một facebooker đã hóm hỉnh nói. Anh cho biết, hồi mình còn học ở Liên Xô (cũ) thường rất thích đi bơi ở bể bơi của trường. Trước khi xuống bể bơi, các học viên đều được kiểm tra y tế, sau đó mới được cấp thẻ bơi. Nhờ đó, nhiều người được phát hiện bệnh da liễu và được chữa khỏi miễn phí.
 

Tắm ở bể bơi công cộng dễ nhiễm nhiều bệnh lý

“Những buổi tập đầu tiên, thầy giáo dục thể chất giải thích rất rõ ràng phải tắm sạch cơ thể bằng xà phòng trong nhà tắm trước khi xuống bơi”, anh kể. Tuy nhiên, nhìn lại bể bơi công cộng ở Việt Nam, nhiều người thật kinh hãi bởi độ dơ bẩn và nhếch nhác, cũng như ý thức kém về vệ sinh của người đi bơi. Từ đó, anh cho biết, mình đoạn tuyệt với bơi.

Tại một số bể bơi công cộng cao cấp hơn, tình trạng “bẩn từ ý thức bẩn ra” cũng không khá khẩm hơn. “Thời gian gần đây đi tập gym, trong khu gym có bể nên tôi định bụng sẽ xuống bơi. Tuy nhiên, những gì được chứng kiến trong phòng thay quần áo, thì thấy không nên xuống bể bơi là tốt nhất”, anh Ngọc Sơn, một giảng viên ở Hà Nội chia sẻ.

Theo anh Sơn, có những đàn ông mồ hôi dầu, tập gym ướt mướt mải, sau đó thay vội cái quần bơi rồi vào nhà tắm bật nước cho ướt quần để nhân viên phòng gym không cự nự rồi lao mình xuống nước. Có khi tôi còn thấy nhiều ông kì cọ trong bể bơi. Thử tưởng tượng bao nhiêu mồ hôi của các ông ấy hoà theo cùng làn nước?

“Có lần tôi hỏi một ông, sao bác không tắm bằng xà phòng trước khi xuống bể bơi công cộng? Ông ấy nhìn tôi như nhìn người từ hành tinh khác: "Đằng nào lát nữa lên chẳng phải tắm!"

Ngoài ra, trong đám đàn ông tập gym cùng tôi có một ông tiểu đường. Ông này đặc biệt thích bơi. Chả hiểu nước bể bơi có ngọt hơn lên nhờ ông ấy không. Thế nên tôi hãi hùng với bể bơi”, anh dí dỏm nói.
 

Một số bể bơi công cộng dùng hóa chất tạo màu xanh rất nguy hiểm cho sức khỏe

Theo các chuyên gia, việc tắm bể bơi công cộng khi quá đông người tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, tình trạng quá tải do lượng người quá đông ở bể bơi công cộng sẽ dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, gây nguy cơ mắc nhiều bệnh về tiêu hóa, mắt và đặc biệt là bệnh da liễu như: Viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông. Đặc biệt, trong số đó có nhiều người có thể có những người bị bệnh ngoài da, sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường nước thông qua làn da tiếp xúc trực tiếp với nước, qua nước bọt, thậm chí nước tiểu vào trong nước bể bơi.

Khi tắm ở bể bơi công công, nguy cơ viêm nhiễm âm đạo rất cao do vi khuẩn của những người mắc bệnh thải ra từ bể bơi dễ xâm nhập vào người khác qua nguồn nước.

Một chủ cửa hàng bán hóa chất cho biết, trước đây tôi tắm tại một khu resort, khi về người xanh lè. Khoảng 3 tháng sau, da tôi mới bớt cái màu xanh lè ấy. Mãi sau này khi kinh doanh nghề này tôi mới biết, người ta dùng hóa chất để tạo ra màu xanh ngắt. Trong số đó, phần lớn là hóa chất rởm. Và hóa chất rởm này, theo chị, sẽ gây nên nhiều bệnh lí, đặc biệt là bệnh da liễu.
 
Theo Bảo Khê (Giadinh.net.vn)