Đời sống

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói

Ngày nay, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ thì mạng xã hội lại trở thành một “nơi lí tưởng” cho những kẻ thích tấn công người khác…

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói

Body-Shaming hay "miệt thị ngoại hình" là một hình thức dùng ngôn ngữ để chê bai hay chế giễu ngoại hình của người khác, khiến cho người đó cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm. Bạn có thể nghe thấy những câu nói đại loại như "béo như lợn", "gầy như nghiện"… Đó chính là Body-Shaming.

Hoặc có thể, đó là suy nghĩ miệt thị chính bản thân một khi cảm thấy bản thân đi ngược lại những chuẩn mực của xã hội. Điều này đôi khi còn nghiêm trọng hơn cả việc chỉ trích một ai đó.

Do vậy Body-Shaming gồm các hành vi khác nhau bao gồm trực tiếp và gián tiếp chỉ trích ngoại hình. Điều này dẫn tới một câu hỏi: Vậy làm sao để phân biệt đùa vui hay Body-Shaming?

Đùa vui, đồng nghĩa với việc người được tiếp nhận phải cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Đừng nhầm lẫn giữa đùa vui và miệt thị bởi một lời nói chỉ vui khi được đón nhận hoặc không gây cảm giác khó chịu cho người khác, và chỉ gói gọn trong ranh giới những người thân quen. Một khi không xác định được ranh giới của hai vấn đề này thì bạn sẽ có thể giẫm phải nó bất cứ lúc nào, mặc dù mục đích của bạn là gì.

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói - 1

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói - 2

Như đã nói ở trên, Body-Shaming có hai hình thức: chế giễu bản thân hoặc chế giễu người khác.

Bất cứ ai cũng có thể nằm trong vùng bị "miệt thị" nhưng điển hình nhất vẫn là những người nổi tiếng hay có tầm ảnh hưởng. Người nổi tiếng nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi người, trong đó có cả tích cực hay tiêu cực. Và có lẽ, rất hiều nghệ sĩ hiện nay trên thế giới đều đã và đang trải qua những miệt thị về ngoại hình.

Ở Việt Nam, ngày càng nhiều những ngôi sao bị chỉ trích nặng nề về ngoại hình không mong muốn. Sau đêm Chung kết Vietnam’s Next Top Model 2017 kết thúc, không phải Quán quân Kim Dung mà Cao Ngân mới là nhân vật nhận được nhiều chú ý nhất trên mạng xã hội. Cô nàng bị mỉa mai, chế giễu là bộ hài cốt di động, như ở nạn đói năm 1945 khi để lộ thân hình gầy gò, da bọc xương. Những từ ngữ nặng nề được lan truyền suốt vài tuần và thực sự đặt ra câu hỏi về vấn nạn Body-Shaming.

Ở những nước phương Tây có những cái nhìn thông thoáng hơn, thì Body-Shaming cũng không nằm ngoài lề. Trong thời gian Adele vừa mới sinh con trai đầu lòng, trên Twitter, những kẻ anti Adele đã tweet những dòng cay độc để nói về chuyện sinh nở của cô "Ồ, Adele vừa sinh con. Có phải đứa trẻ đó bị béo phì và dị tật không nhỉ?". Không những vậy, tài khoản này còn nói: "Hãy giết nó đi". Những lời cay độc như vậy xuất hiện một cách thường xuyên, và tất nhiên, gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lí của nữ ca sĩ.

Ở những quốc gia khắc khe về ngoại hình như Hàn Quốc, chế giễu ngoại hình không còn xa lạ. Um Ji (G-Friend) từng bị dẫn đầu bảng xếp hạng thần tượng nữ xấu nhất vào năm ngoái, khiến cô bị gắn mác "Thần tượng nữ xấu nhất lịch sử Kpop". Khi tìm kiếm thông tin về Um Ji trên trang Naver, các từ khóa đi cùng luôn là "xấu xí", "mặt to",… Điều này khiến cô chịu tổn thương nặng nề và sinh ra tâm lí mặc cảm.

Miệt thị ngoại hình cũng không còn là xa lạ đối với những cô gái Hàn Quốc. Người Hàn Quốc quan niệm "mặt tiền" là tất cả đối với họ. Đó không phải là hình thức đơn thuần, mà là hình ảnh bản thân và danh tiếng cá nhân. Mức độ người Hàn coi trọng ngoại hình của mình cũng như người Trung Quốc đề cao thể diện của con người. Với việc xem trọng hình thức bên ngoài quá mức như vậy, cũng là chuyện dễ hiểu khi có tới 20% người Hàn đã từng lên bàn phẫu thuật thẩm mỹ.

Ở khía cạnh tự chế giễu bản thân, có một căn bệnh hình thành từ chính nỗi ảm ảnh thua kém về nhan sắc. Cụ thể, người mắc chứng Quasimodo luôn ám ảnh bởi những khiếm khuyết trên cơ thể mình: quá gầy quá béo, ngực quá nhỏ, chân quá to… Đôi khi còn cố tìm ra những khiếm khuyết đó rồi mặc cảm với nó.

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói - 3

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói - 4

Ngày nay, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ thì mạng xã hội lại trở thành một "nơi lí tưởng" cho những kẻ thích tấn công người khác, mà công cụ cụ thể là ngôn từ. Hơn 80% số lời miệt thị diễn ra trên Facebook, Instagram hay Twitter mà hậu quả của nó là không thể chối bỏ.

Dư luận hiện nay chín người mười ý, hành động đầu tiên của những người thích miệt thị là vạch lá tìm sâu, tìm rồi đâu chỉ để trong suy nghĩ. Càng về sau, khi có sự tiếp sức của mạng xã hội, thiên hạ như "lên đồng" chê bai hết cỡ, bằng những ngôn từ không thể tưởng tượng được.

Về phần những người bị chê bai, nhiều người sẽ dành phần lớn thời gian để soi xét những khiếm khuyết của bản thân mình, liên tục cảm thấy khó chịu và bực bội. Dần dần những cảm xúc ấy sẽ ứ đọng lại thành những tủi hổ, luôn cảm thấy thua kém. Những cảm xúc này hình thành tâm lí tự ti hoặc ngại giao tiếp, tự cách li mình khỏi xã hội. Ở một mức độ phức tạp hơn, những người này sẽ rơi vào trầm cảm do không muốn đi ra ngoài, không muốn xuất hiện trước bất kì ai. Nguy hiểm hơn, những mặc cảm về ngoại hình sẽ dẫn đến tự tử.

Một câu chuyện đau lòng được đăng tên tờ The Guardian gần đây: Jessica Laney, một cô bé đáng yêu, trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt trên Internet khi tự kết liễu cuộc sống của mình ở tuổi 16. Không chỉ bị chế giễu về ngoại hình, bị gọi là "mập ú", "lẳng lơ", Jessica còn nhận được những câu nói khủng khiếp hơn như "cô có thể chết đi được không?" hay "chẳng ai thèm quan tâm đến cô đâu".

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói - 5

Những năm tháng đầu tiên đến trường, khuyết tật tứ chi đã khiến Nick Vujicic trở thành mục tiêu châm chọc của bạn bè. Anh bị chỉ trỏ, chê cười, bị chọc phá vì "khác người". Lúc đó Nick cảm thấy cô đơn, thất vọng triền miên và chỉ muốn tan biến khỏi cõi đời thật sớm, để thoát khỏi đau khổ. Cậu bé Nick lúc đó dự định ném mình từ trên cao xuống và liên tục vật lộn với cảm giác tuyệt vọng rằng cuộc đời rồi đây sẽ vô cùng khó khăn.

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói - 6

Trước tiên, người mắc bệnh ở đây không phải là những người bị miệt thị, mà chính là những người miệt thị. Căn bệnh "quan trọng hình thức" hay nặng hơn là "ám ảnh hình thức" đã đẩy những người này vào lối suy nghĩ tiêu cực không lối thoát. Việc dùng ngôn từ để miệt thị ai khác chính là một biểu hiện hay một hình thái của căn bệnh tâm lí khó chữa này.

Ngạc nhiên thay, một vài người quan niệm Body-Shaming chỉ là đóng góp để người ta trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên đây chỉ quan điểm nông cạn và thiếu sâu sắc. Làm tổn thương một ai đó khác hẳn với cách giúp đỡ hay khuyên bảo một ai đó. Đừng nên lấy cái cớ này để biện hộ cho những ích kỉ của bản thân.

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói - 7

Ngoài kia báo đài đã từng đưa rất nhiều tin về hàng loạt vụ chết người vì thuốc giảm cân , sữa tăng cân , tự sát vì trầm cảm mà động cơ từ miệt thị cơ thể… Liệu điều đó vẫn chưa đủ cảnh tỉnh chúng ta?

Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch cho biết: "Mình gần như không bao giờ đem cơ thể người khác, đặc biệt là phụ nữ ra để mỉa mai, bình phẩm tìm vui, vì phụ nữ dù ngoại hình ra sao cũng phải được tôn trọng. Sống văn minh là không đem cơ thể người khác ra làm trò đùa".

Dù là ai cũng vậy, xin nhớ, chuẩn mực cái đẹp vốn thay đổi từng ngày. Ngày hôm nay bạn đẹp, không chắc là tương lai cái đẹp đó vẫn trường tồn. Đem những thứ nhất thời để giết chết ai đó ở cả thể chất hay tâm hồn đều là một tội ác.

Vậy xin hãy dừng lại! Xin đừng ngược đãi nhau, giết chết nhau bằng lời nói. Xin hãy thương xót cho những tâm hồn đang gào thét căm phẫn với bản thân vì đã đi ngược với chuẩn mực cái đẹp của xã hội. Mỗi người sinh ra vốn đã khác nhau, ở mọi mặt, xin đừng dùng thước đo vô căn cứ ấy mà làm tổn thương nhau. Ai cũng mang trong mình nét đẹp riêng, hãy gìn giữ nó bằng tất cả tâm huyết và sự trân trọng mà bản thân có được.

'Eo ơi cô này xấu quá' - Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói - 8

Theo Phạm Thảo Thy Ybox (Trí Thức Trẻ)