Đời sống

Đi chơi tuần 5 lần giúp con tôi "học sàng khôn"

"Vào nhà hàng, tôi chỉ cho con cách gọi đồ để đủ ăn hết, không bỏ phí", chị Thúy Lê (TPHCM) cho biết.

"Vào nhà hàng, tôi chỉ cho con cách gọi đồ để đủ ăn hết, không bỏ phí", chị Thúy Lê (TPHCM) cho biết.

Hầu như tuần nào hai mẹ con tôi cũng dắt nhau đi chơi 3-5 lần, qua các trung tâm thương mại, công viên, đi xem phim, cuối tuần thì đi dạo ở ngoài quận 1, ra ngoài ăn sáng, uống cafe, tới bảo tàng... Khi sắp xếp được thời gian, mẹ con tôi còn đi du lịch xa (từ đầu năm tới nay bé đã khám phá gần 10 tỉnh thành trên đất nước). 

Có người nói với tôi rằng "cho con đi chơi suốt vậy sau này trẻ sẽ quen chân, lúc nào cũng đòi đi chơi, chẳng học hành gì", nhưng tôi nghĩ không gì hiệu quả bằng dạy con qua các tình huống thực tế.

Dắt con đi chơi, dạy con được gì? Mặc dù con tôi vẫn rất mè nheo, bướng bỉnh song lại khá nhanh nhẹn, xốc vác khi ra ngoài, dạn dĩ trong giao tiếp, xử lý tình huống giao tiếp tốt. 

di-choi-tuan-5-lan-giup-con-toi-hoc

Chị Thúy Lê và con trai. 

Cho con đi chơi ngoài mục đích thư giãn, tôi dạy con cách quan sát xung quanh, điều chỉnh hành vi chưa phù hợp khi đến nơi công cộng, dạy con qua những tình huống gặp phải, dạy bạn ấy kỹ năng định hướng, tự vệ, biết được giá trị của sức lao động, cuộc sống và sự chia sẻ. Chẳng hạn:

1. Khi cho con đến bãi giữ xe, tôi hướng dẫn bé cách quan sát: xe mẹ con mình để ở khu H1, lát về mình phải tìm ở khu này mới nhanh thấy. Bé hỏi H1 là gì thì tôi sẽ giải thích để con hiểu đó là ký hiệu của từng khu trong bãi giữ xe, mình phải nhớ ký hiệu của khu mình để thì khi lấy sẽ không phải mất công tìm. Vài lần như vậy, khi đến bãi giữ xe là con hỏi: Mình để xe ở đâu hả mẹ?

2. Vào thang máy, tôi hướng dẫn con các nút bấm: nút giữ cửa, nút đóng cửa và các phép lịch sự như nếu mình vào trước thì phải đứng bên trong để nhường chỗ cho người vào sau...

3. Khi vào nhà hàng, đến nơi công cộng, tôi luôn nhờ con đi hỏi cô chú phục vụ những vật dụng và nhu cầu mà mình muốn - để trẻ biết cách xử lý tình huống phát sinh khi đi ra ngoài (hỏi chỗ đi tolet, địa điểm cần tới...). Mẹ cũng dạy bạn ấy cách giao tiếp (khi hỏi phải có: cô ơi, chú ơi cho cháu hỏi...).

4. Khi con ngồi, đi đứng, cư xử chưa phù hợp ở nơi công cộng - tôi sẽ chỉ cho con nhìn xung quanh và hỏi bé quan sát xem ai đang ngồi hoặc hành động giống con? Tôi cũng giải thích cho con biết một vài quy tắc ứng xử nơi công cộng để bé thấy mình làm vậy chưa đúng và cần phải sửa.

5. Ra ngoài sẽ có những mảnh đời bất hạnh, tôi sẽ dạy bạn ấy biết chia sẻ, cách đối xử làm sao để họ không buồn. Đi chơi cũng là dịp để tôi dạy con cách sử dụng đồng tiền. Lúc con đòi mua cái này, cái kia, tôi sẽ giải thích cho con biết khả năng tài chính của mình chỉ đủ để chi trả cho những loại nào và những thứ bạn ấy đang đòi là không cần thiết, không phù hợp với tài chính của gia đình.

6. Khi vào nhà hàng, tôi chỉ cho con cách xem giá tiền rồi lựa chọn món không chỉ theo ý thích mà còn phải có giá cả phù hợp. Ngoài ra, tôi cũng nói với con rằng, cần cân nhắc khi chọn để đồ đã gọi ra sẽ ăn hết, không được bỏ phí. 

Điều quan trọng là bố mẹ định hướng cho con đi chơi là để quan sát và học hỏi từ thực tế hay để hưởng thụ, để được phục vụ. Mỗi gia đình có thể lựa chọn các địa điểm khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nếu bạn cho con đi chơi có chủ đích thì đó là bài học thực tế tốt nhất để dạy con về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và cả kỹ năng sinh tồn.

Để tránh con quen chân, mình luôn đặt ra yêu cầu để bạn ấy thực hiện và phần thưởng là được đi và luôn nhắc nhở rằng: phải hoàn thành công việc mới được đi chơi, mới được thưởng.
 

Theo T.Lê (VnExpress.net)