Đời sống

Đàn ông Việt đang trở nên bạo lực, lười biếng và vô dụng?

Đàn ông đang trở nên bạo lực, chìm trong các tệ nạn, không sợ chết, lười biếng, vô dụng trong gia đình. Theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội ISDS, chúng ta cần phải hiểu “Đàn ông đang chịu áp lực gì” để làm một cuộc “giải cứu” trước khi tình trạng tệ hơn.

Đàn ông đang trở nên bạo lực, chìm trong các tệ nạn, không sợ chết, lười biếng, vô dụng trong gia đình. Theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội ISDS, chúng ta cần phải hiểu “Đàn ông đang chịu áp lực gì” để làm một cuộc “giải cứu” trước khi tình trạng tệ hơn.
Trong cuộc hội thảo mới đây, bà đã chia sẻ, cần phải “giải cứu đàn ông Việt”. Bà có thể phân tích rõ hơn về quan điểm này?
 
- TS Khuất Thu Hồng: Tôi cũng chỉ chia sẻ một cách hài hước thôi. Nhưng thực tế đúng là đàn ông Việt đang gặp nhiều nguy cơ. Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới, mức độ tiêu thụ cũng gia tăng chóng mặt.
 
Uống rượu bia sẽ phát sinh nhiều tệ nạn, gia tăng tai nạn giao thông và gây tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích, bạo lực gia đình, nghiện thuốc lá. Trong số những “tệ nạn” những nguy cơ thì đàn ông đều chiếm đại đa số. Nếu thực sự chúng ta không làm một cuộc “giải cứu”, đàn ông Việt sẽ thực sự đứng trước nguy cơ bệnh tật, tàn tật, sức khoẻ thể chất và tâm thần đều bị phá huỷ.
 

Việc nhà không phải việc vặt mà tiêu tốn rất nhiều công sức. Chia sẻ việc nhà không chỉ đỡ gánh nặng cho vợ mà chính là cách để giữ gìn hạnh phúc lâu dài, tăng cường tình cảm vợ chồng. Ảnh minh họa

 
Trong khi đó, lâu nay, các nghiên cứu, chương trình can thiệp hầu hết chỉ tập trung vào nữ giới và giúp đỡ phụ nữ. Mọi người cho rằng chỉ phụ nữ mới có vấn đề, mới yếu thế phải giúp đỡ. Thực tế, đàn ông đang cần được giúp đỡ. Khi chưa có nghiên cứu, chúng ta lại chưa hiểu gì về các áo lực, buồn phiền, suy nghĩ của đàn ông. Để hiểu tại sao họ lại hành xử thô lỗ, lại tự đẩy mình vào các rủi ro, biết chết mà vẫn làm, biết bệnh mà vẫn uống, vẫn hút… Có hiểu được đàn ông mới giúp được họ.
 
Vậy theo bà, đàn ông có thể gặp các áp lực gì?
 
-Theo nhận định của tôi là khá nhiều. Do đàn ông luôn được đặt ở “chiếu trên” nên họ lại khó sống bình thường giản, dị. Họ bị tôn vinh lên các biểu trưng to lớn như: trụ cột gia đình, nóc nhà, đàn ông phải mạnh mẽ mới là đàn ông. Vì thế, bằng mọi giá họ phải thành công, thành đạt, phải giàu có, phải là “đại gia”, có xe ô tô, vợ con sung sướng.
 
Nhưng những người đạt được “đỉnh cao” đương nhiên không nhiều. Chính vì vậy, đàn ông sẽ gặp các áp lực, stress, tinh thần sa sút. Có thể vì thế mà họ cáu giận, u sầu hơn, muốn dùng bia rượu, cờ bạc để giải toả, muốn dùng nắm đấm để trút giận, họ dễ nổi nóng khi va chạm giao thông, gây gổi…. Họ cũng thiếu kỹ năng sống để xử lý những rắc rối, xung đột trong cuộc sống nên dễ hành xử “cùn” bằng nắm đấm.
 
Tất nhiên đây mới là những phỏng đoán trên kinh nghiệm làm việc của tôi. Còn muốn hiểu cặn kẽ, cần phải có những nghiên cứu trên diện rộng. Còn trên thế giới cũng đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn đàn ông uống rượu bia để xả stress. Đàn ông Việt uống rượu bia vào hàng “khủng” phải chăng họ stress nhiều hơn?
 
Nghiên cứu của ISDS cũng chỉ ra rằng, đàn ông Việt được coi trọng bởi các ý nghĩa “biểu trưng” còn đang “vô dụng” trong gia đình? Bà có thể làm rõ thêm?
 
-Trong điều tra vừa công bố của chúng tôi, khi được hỏi về lý do tại sao yêu thích con trai, đa phần (cả nam và nữ) đều coi trọng đàn ông ở các giá trị biểu trưng (thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường), còn ưa thích con gái vì các lý do rất thực tế (chăm sóc bố mẹ, chia sẻ việc nhà). Còn trong câu hỏi về phân công công việc trong gia đình thì cũng có tới 97% phụ nữ và 90% nam giới ở đô thị cho rằng, nam giới chỉ làm từ 0-2 việc (trong tổng số 11 việc).
 
Tỷ lệ này ở nông thôn là 97 và 89,5%. Trong 12 việc liên quan đến nuôi dạy con cái thì 55-85% nữ giới tham gia và chỉ có 2-8% các ông bố tham gia tuỳ từng việc. Đáng lưu ý, khoảng 60% các hộ (8500 người) làm nông nghiệp, với 11 đầu việc trong hoạt động nông nghiệp thì hầu hết nữ giới đều tham gia, còn đàn ông chỉ làm 2 việc chính là làm đất và phun thuốc trừ sâu. Các nghề khác như đánh bắt thuỷ hải sản, kinh doanh cũng tương tự, phụ nữ làm nhiều hơn đàn ông.
 

TS Khuất Thu Hồng

 
Nếu đàn ông ngày càng trở nên “ảo” như vậy thì như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến gia đình cũng như cuộc sống của chính đàn ông?
 
-Rõ ràng phụ nữ hiện nay không còn thụ động ngồi chờ đàn ông “cho gì nhận nấy” hoặc “cúc cung tận tuỵ” một cách mù quáng nữa. Nếu người chồng không biết chia sẻ việc nhà với vợ thì chị em sẽ mệt mỏi, chán ngán, thất vọng. Phụ nữ sẽ cảm giác mình như osin làm, thậm chí không bằng osin vì không được trả lương, không được coi trọng công sức mình bỏ ra vì gia đình.
 
Trong khi đàn ông lại phí sức lực vào những tệ nạn, bia rượu, đàn đúm bên ngoài, thậm chí còn mang hậu quả về nhà để vợ con phải gánh chịu (say xỉn bị tai nạn hoặc đánh nhau, hoặc mang bệnh tật). Họ không chấp nhận người chồng chỉ có ý nghĩa “biểu trưng”, đương nhiên mâu thuẫn bùng nổ thì hạnh phúc cũng sẽ bị đe doạ, hôn nhân dễ tan vỡ.
 
Có người cho rằng đàn ông hư là lỗi của đàn bà? Tuy nhiên, nhiều phụ nữ rất bất lực trong việc hạn chế chồng rượu bia, bạo lực hoặc lười biếng? Quan điểm của bà như thế nào về điều này?
 
- Đúng là có một phần nào. Vì từ nhỏ, cha mẹ chỉ chú trọng giáo dục con gái làm việc nhà để sau này thực hiện nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, còn con trai cũng lại chỉ được tôn vinh, khuyến khích các giá trị biểu trưng “con nối dõi, cháu đích tôn”.
 
Đương nhiên lớn lên, nam giới sẽ không biết làm gì. Hoặc họ tự nhận thấy ông họ, bố họ chẳng làm gì, chỉ ngồi mát ăn bát vàng trong gia đình thì tại sao mình lại phải động tay động chân, vì thế họ cho mình “quyền” chây ỳ để vợ phục vụ. Cũng có một số ông chồng muốn giúp vợ nhưng lại vụng về, gây đổ vợ, vợ lại “ngứa mắt” không cho làm, lâu dần càng tạo cho họ thói quen được phục vụ.
 
Vì thế, giải pháp đương nhiên vẫn là phải giúp đàn ông hiểu được việc nhà là một phần nghĩa vụ của họ, việc nhà không phải việc vặt mà tiêu tốn rất nhiều công sức, chia sẻ việc nhà không chỉ đỡ gánh nặng cho vợ mà chính là cách để giữ gìn hạnh phúc lâu dài, tăng cường tình cảm vợ chồng.
 
Các bà mẹ cũng nên dạy con trai biết làm việc, biết chia sẻ để sau này không trở thành người thất bại trong mắt vợ…. Tất nhiên, đối với những định kiến đã ăn sâu vào nếp nghĩ, ngấm vào máu thì rất khó “thay máu”. Tuy nhiên, nếu không làm, chúng ta có thể sẽ có nhiều cá nhân, nhiều gia đình không hạnh phúc…
 
Để “giải cứu” đàn ông khỏi những hình ảnh và việc làm “xấu xí”, trước hết chúng ta cần có những nghiên cứu để “chẩn bệnh” cho đàn ông.
 
Xin cảm ơn bà!
 
>> Hậu 8/3: Nghĩ về sự bất hạnh của đàn ông...
>> Trang Hạ: “Tôi thấy tội nghiệp cho đàn ông mỗi dịp lễ 8/3”
>> 7 điều lý giải phụ nữ mới thực sự là "anh hùng" trong nhà
 
Theo Diệu Linh (Dân Việt)