Đời sống

Công đức ở đền chùa: Có nên cầu trúng số, buôn may bán đắt?

Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức là đã “tích đức” và càng bỏ nhiều nơi, nhiều “cửa”, nhiều tiền thì đức sẽ càng “dày”.

Công đức ở đền chùa: Có nên cầu trúng số, buôn may bán đắt?
Lối lên động Hương Tích, vẫn có một số mâm để người dân đặt tiền vào

Theo thống kê của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay cả nước có 14.775 ngôi chùa. Có một điểm chung là hòm công đức ở các đền, chùa được bố trí khắp các ban. Tuy vậy, vẫn có một số phật tử đi lễ đều “thích” đặt tiền lên ban thờ, nhét vào tay Phật hơn là bỏ tiền vào hòm công đức.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Quán Sứ cho rằng, muốn bình an phải làm các việc phúc, việc thiện, có lối sống cao thượng, làm chủ cảm xúc, thái độ, thói quen chứ không phải dựa vào số tiền công đức hay nơi đặt công đức.

“Hòm công đức ở các đền, chùa do ban quản lý khu di tích đặt ra. Giáo hội Phật giáo không rõ số lượng hòm công đức ở các đền chùa và cũng không quy định việc đặt hay không đặt hòm công đức. Việc đặt hòm công đức là tốt, tránh hiện tượng kẻ gian lấy cắp. Hơn nữa, khi đặt hòm công đức, người dân sẽ hạn chế hình ảnh phản cảm - nhét tiền vào tay, vào bụng Phật đang ngự trên ban thờ. Chùa sẽ dùng số tiền công đức đó cúng cho sư tăng trong chùa để tu học hoặc làm từ thiện”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.

Công đức ở đền chùa: Có nên cầu trúng số, buôn may bán đắt? - 1
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay, nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức là đã “tích đức” và càng bỏ nhiều nơi, nhiều “cửa”, nhiều tiền thì đức sẽ càng “dày”.

“Không phải công đức nhiều là lộc nhiều, không phải công đức bao nhiêu thì thánh thần sẽ biết và ban lộc trở lại”, Trụ trì chùa Quán Sứ răn dạy.

Đối với việc công đức, theo Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mọi người chỉ nên làm theo đúng tâm, đừng quan niệm cúng nhiều hay cúng ít.

"Đôi khi, những người nghèo khó, không có tiền công đức nhưng họ lại tu tâm dưỡng tính, phát huy trí tuệ, loại bỏ lòng tham, hận thù… đó cũng gọi là công đức.

Ngược lại, những người công đức nhưng với tâm mong cầu được trúng số độc đắc, được buôn may bán đắt, muốn gì được nấy… lòng tham lam tăng thì làm sao có công đức được. 

Muốn bình an phải tu tâm, muốn có phúc đức phải tu phúc, tu đức. Không phải bỏ tiền để mua hay đổi chác lấy những điều mình mong đợi”, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói.

Do đó, theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, người dân thay vì đến chùa cầu nguyện xin xỏ, vứt tiền bạc vào các mâm trái cây, quả chuông, đế chuông, tay Phật, xoa vào tượng Phật cầu bình an, gây mất mỹ cảm văn hóa Phật giáo thì gửi cúng ở hòm công đức.

Để trả lại không gian tôn nghiêm văn hóa cho các di tích, những điểm đến tâm linh, khi đi lễ chùa, mọi người nên đi vãn cảnh chùa với tấm lòng tâm linh. Chúng ta không nên dùng tiền lẻ chia ra rồi rải khắp các ban bệ, cài lên hoa quả. Như vậy, vừa tốn thời gian, vừa làm mất sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Theo Diệu Thu (Dân Việt)