Đời sống

Buồn lòng, trẻ tự tử

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) mỗi năm tiếp nhận khoảng 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. Trong khi theo ghi nhận, trẻ còn có nhiều hành động khác với mục đích quyên sinh

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) mỗi năm tiếp nhận khoảng 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. Trong khi theo ghi nhận, trẻ còn có nhiều hành động khác với mục đích quyên sinh

Thoát chết nhờ phát hiện sớm

Người nhà C. cho biết do học hành có phần “tuột dốc” nên em bị mẹ la rầy. Vì chuyện này, C. đã lén mua thuốc trừ sâu về nhà uống với ý định quyên sinh. May mắn, do thấy C. nôn ói trong nhà vệ sinh nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cấp cứu.

Sau khi sơ cứu bằng cách cho uống thuốc giải độc, uống than hoạt tính và rửa dạ dày, C. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để tiếp tục điều trị. Theo các bác sĩ, thông thường bệnh nhi nếu bị phát hiện trễ sẽ có nguy cơ suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong.

Thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy mỗi năm, nơi đây tiếp nhận từ 15-20 trường hợp trẻ tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ hoặc những hóa chất khác.

Đầu tháng 3-2015, bệnh viện đã tiếp nhận H.M.T (SN 2000, ngụ tỉnh Tiền Giang) trong tình trạng suy hô hấp, người tím tái do ngộ độc thuốc trừ sâu. Sau khi phát hiện T. tự tử, gia đình đã đưa em đi cấp cứu và các bác sĩ chẩn đoán bị tổn thương gan, thận, xơ phổi... Sau 2 tuần được điều trị tích cực, T. đã xuất viện. Theo lời kể của gia đình, do T. mê chơi game, bỏ bê chuyện học hành nên bị cha mẹ la rầy và đã mua thuốc trừ sâu uống. Trước đó, các bác sĩ cho biết có 2 bệnh nhi được chuyển đến điều trị do ngộ độc paraquat nặng và 1 trong 2 em đã không thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, có rất nhiều lý do dẫn đến trẻ tự tử, hủy hoại bản thân như: bị cha mẹ trách mắng chuyện học hành, mê chơi game, nghi ngờ ăn trộm tiền, buồn chuyện gia đình hoặc cũng có thể bị cấm yêu.

L.P.Đ.D thoát chết khi có ý định nhảy từ tầng 3 để tự tử vì bị cha lớn tiếng

 
Dễ “tự vệ tiêu cực”

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết sau khi điều trị tổn thương về mặt thể chất, trẻ thường được tham vấn tâm lý trước khi xuất viện. Một số ít trường hợp có nguy cơ trẻ sẽ tiếp tục hành động nông cạn, do đó cha mẹ cần lưu tâm đến con cái nhiều hơn. Ghi nhận của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy trước khi trẻ tự tử thường có những lời dỗi hờn, đe dọa nhưng cha mẹ không để ý. Vì vậy, cha mẹ phải quan tâm trẻ nhiều hơn nếu các em có một số biểu hiện khác thường.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn - Phó trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM - cho rằng ở lứa tuổi đang trưởng thành, những suy nghĩ còn non nớt, kinh nghiệm và kỹ năng sống rất hạn hẹp nên các em thường có những hình thức tự vệ tiêu cực. Ở mức độ nhẹ là những hành vi đi ngược lại với mong mỏi và nguyện vọng của người lớn, trốn tránh thực tại bằng việc bất cần với cuộc sống; ở mức độ cao nhất là hành hạ bản thân, suy nghĩ về cái chết và có thể thực hiện hành vi tự tử.

Theo PGS-TS Sơn, hình thức tự vệ tiêu cực và xem như là tận cùng của sự bế tắc là tự tử, nó gióng lên những hồi chuông phản ứng ở một số bạn trẻ rằng “tôi không đồng ý, tôi rất khổ sở, tôi thấy lạc lõng, tôi không còn niềm tin, tôi không thiết sống, tôi chẳng thấy niềm vui gì để sống”. Vì thế, họ trốn tránh thực tại, trốn tránh ngay cả những người thân thương và muốn chui vào trong một vỏ ốc, thế giới của riêng mình. Đến một giới hạn nhất định, khi tất cả sự dồn nén hay chuyển dịch cảm xúc không còn tác dụng thì họ sẽ tìm đến cái chết như một sự giải thoát. “Việc cha mẹ quá nuông chiều con cái cũng là một lý do. Khi con cái có điều gì không hài lòng thì phản ứng một cách tiêu cực và điều đó dẫn đến những hành động quyên sinh. Ban đầu có thể là dọa nhưng rồi lại thật. Cũng có thể nghĩ là mình không quyên sinh nhưng khi cơn giận dữ đã quá rồi lại không thể kiểm soát nên hành vi tự tử xuất hiện...” - ông Sơn phân tích.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng cha mẹ cần uốn nắn, quan tâm con cái và giúp chúng nhận ra rằng không gì quan trọng bằng sự hạnh phúc từ gia đình. “Đó chính là phương cách để giúp trẻ biết giữ gìn mạng sống của mình trước những áp lực bủa vây...” - ông Sơn nói.

Nhảy lầu vì bị cha lớn tiếng
 
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cấp cứu rất nhiều trường hợp trẻ có hành vi tự tử như nhảy lầu, dùng vật sắc nhọn hủy hoại bản thân, uống thuốc ngủ, uống nước tẩy rửa bồn cầu… Cách đây không lâu, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhi L.P.Đ.D (SN 2004) bị đa chấn thương với dị vật ở chân phải, mông và đùi. Người nhà cho biết do D. không chịu học bài nên bị cha lớn tiếng. Sau đó, D. đã lao ra ban công lầu 3 nhảy xuống nhưng rất may, chân của em vướng phải hàng rào sắt nên chỉ bị thương.
 
 
Theo H.Duyên (Nld.com.vn)