Đời sống

Bác sĩ 3 con chỉ ra sự thật "cay đắng" khi em bé chào đời

Huyên Thảo cho rằng, thiên thần nhỏ có thể gây ra những 'xáo trộn lớn' trong gia đình, thậm chí là 'khổ đau', 'cay đắng', 'thất vọng'.

 

Huyên Thảo cho rằng, thiên thần nhỏ có thể gây ra những 'xáo trộn lớn' trong gia đình, thậm chí là 'khổ đau', 'cay đắng', 'thất vọng'.

Bác sĩ Huyên Thảo cho rằng, về lý thuyết, "con trẻ là thiên thần, là niềm hạnh phúc của ông bà, cha mẹ, và gia đình", tuy nhiên, sự thực thì hơi "cay đắng" hơn vậy. Trước khi con chào đời, cặp vợ chồng nào cũng hồi hộp đón chờ, lên kế hoạch tỉ mỉ chào đón thành viên mới của gia đình, vậy mà khi con "đặt chân xuống trái đất", ba mẹ bỗng cảm thấy "choáng váng", "như vừa được quà to mà vừa bị đấm vào mặt mấy cái đau ơi là đau". Chị Huyên Thảo hài hước, chuyện này giống như một "quả lừa tình" lớn.

bac-si-3-con-chi-ra-su-that-cay-dang-khi-em-be-chao-doi

Bác sĩ Huyên Thảo đang công tác tại một phòng khám Nhi khoa ở TP HCM. Kinh nghiệm từ việc tiếp xúc với các gia đình đến khám đã cho chị những góc nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Người thay đổi nhiều nhất có lẽ là các bà mẹ. Cô vợ "xinh tươi roi rói, nhỏ nhẹ dịu dàng", trong chín tháng mang thai dù hay phàn nàn nhưng vẫn đáng yêu vô kể bỗng chốc biến thành "một người gì đó không dám đặt tên, tóc tai rũ rượi, kiệm cười, kiệm nói, kín bưng kín bức, mà còn giống giống như 'sát thủ vô tình' vậy!". Mỗi khi chồng làm gì "hơi sai tí", "nhất là cái gì đụng đến cái cục 'thiên thần' kia", vợ sẽ "xù lông" lên ngay lập tức, "mắt môi sắc lẹm", khiến cho chồng áp lực vô cùng.

Các bố cũng có sự thay đổi trông thấy: "Anh chồng ngày nào phong độ, tươi vui, phải nói là cũng biết ý vợ, biết chăm vợ lắm mà, bỗng đùng cái, nhìn chẳng ra làm sao cả! Làm cái gì cũng lóng nga lóng ngóng, như một đứa dở hơi!". Từ thay tã, pha sữa... bố chẳng làm được việc gì "ra hồn". Từ ông chồng tâm lý, các anh biến thành một người vô tình, không hiểu ý vợ, chẳng hề biết san sẻ công việc. Bác sĩ Huyên Thảo chỉ ra một cái kết phũ phàng: "Từ từ, dần dần, vợ chồng xa cách, vợ thấy chồng cái gì cũng không được, chồng thấy vợ cái gì cũng quá đáng! Rồi cay cú, rồi xa cách hơn, rồi chia tay nhau mấy hồi!".

Bác sĩ đưa ra nghiên cứu của giáo sư Mikko Myrskyla, người Đức. Ông từng theo dõi thang điểm hạnh phúc của các cặp vợ chồng tại Đức và Anh trong nhiều năm, trước và sau khi có con. Kết quả là, khoảng thời gian sống chung và chuẩn bị có con là lúc họ vui vẻ nhất, chỉ số hạnh phúc của cả vợ và chồng tăng theo từng năm. Khi đứa con đầu lòng ra đời, trong 2/3 trường hợp, chỉ số hạnh phúc của cả vợ và chồng rơi xuống khoảng 1,3 điểm trong năm tuổi đầu tiên của trẻ, và từ từ xuống dần tới điểm khởi đầu khi hai người chưa quen biết nhau. Chỉ khoảng 1/3 số gia đình không bị ảnh hưởng nhiều ở thang điểm hạnh phúc khi em bé chào đời.

Bác sĩ Huyên Thảo lý giải, việc mất 1,3 điểm thật sự có ý nghĩa sâu sắc. Bởi nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, chỉ số hạnh phúc của con người sẽ bị giảm đi một điểm nếu người bạn đời của người đó qua đời, hoặc người đó bị đuổi việc. Và chỉ số hạnh phúc sẽ giảm đi 0,6 điểm khi ly dị. Điều đó có nghĩa là, việc đón thiên thần vào nhà, có thể gây "khổ đau", "cay đắng", và "thất vọng" hơn nhiều những điều "kinh dị" kể trên.

Chị cũng nêu ra những thực tế là 80% bà mẹ sau sinh sẽ bị "baby blues" (hay "nỗi buồn khi có bé") và 13% bà mẹ sẽ bị tình trạng trầm cảm sau sinh. Không chỉ riêng các mẹ, khoảng 10% các ông bố cũng bị trầm cảm sau sinh. Điều đó chứng tỏ đây là khoảng thời gian "căng thẳng khôn lường", cần được "cảm thông, nâng đỡ".

bac-si-3-con-chi-ra-su-that-cay-dang-khi-em-be-chao-doi-1

Bác sĩ Huyên Thảo còn là một bà mẹ 3 con chu đáo, tâm lý.

Giải thích về nội dung này, bác sĩ Huyên Thảo cho rằng: "Ba và mẹ đều thấy rõ thay đổi về nhận thức, trách nhiệm, và 'cảm thấy' gánh nặng tương lai, về kinh tế, tình cảm và kế hoạch của gia đình trở nên rõ ràng hơn. Tất cả những hoạt động thường ngày, kế hoạch làm việc, vui chơi, đầu tư… đều phải được tính lại, và điều chỉnh với sự hiện diện và nhu cầu thất thường của 'người ấy'". Ở những gia đình có nhiều thế hệ chăm sóc trẻ, các khác biệt về văn hóa, khoảng cách thế hệ càng có dịp sinh sôi nảy nở. Người mẹ thường bảo vệ con quá mức cần thiết, trong khi đó, người cha càng cảm thấy thiệt thòi vì "không có mối liên hệ tình cảm trực tiếp trong thời kỳ mang thai như mẹ", khi con ra đời, họ lại bị cho ngồi "ghế sau, không nhận được sự quan tâm, san sẻ nhiều như trước. Đồng thời, những kỳ vọng của gia đình, xã hội đặt lên vai trụ cột kiếm tiền chính càng khiến họ thêm mệt mỏi. Trong khi đó, người mẹ "cảm thấy thiệt thòi" vì "công việc và vai trò ngoài xã hội" bị chững lại. Cùng với đó, những mệt mỏi về thể chất, stress, mất ngủ... chồng chất, đè nặng tâm lý, tinh thần của cả vợ và chồng, thách thức sự bền vững của hạnh phúc gia đình.

Bác sĩ Huyên Thảo kết luận, "việc chuẩn bị sẵn sàng 'lâm trận' không còn chỉ dừng ở thai sản và sinh con". "Các ông bố bà mẹ nên tự trang bị cho mình những kiến thức thống nhất chung về việc chăm sóc con trẻ khoa học", đồng thời lường trước những khó khăn trong quá trình phát triển của bé để có thể đồng lòng chung sức một cách vui vẻ, tránh trở thành gánh nặng và "cái gai" trong mắt đối phương. Nữ bác sĩ ba con nhấn mạnh: "Đối thoại trong ôn hòa, mở lòng trong tôn trọng, và thông cảm cho nhau, là những điều quan trọng mà hai bên ba và mẹ cần ghi nhớ, và tự nhắc nhở mình, để có thể giữ được 'chỉ số hạnh phúc' cho cá nhân và cả gia đình".
 

Theo H.Thu (Ngoisao.net)