Đời sống

9 mẹo chi tiêu để không bị thiếu trước hụt sau

Mỗi tuần chỉ nên tới siêu thị một lần và mua tất cả những thứ cần thiết. Việc quay lại vì quên mua sữa hay bánh có thể khiến bạn phát sinh chi phí, hơn nữa đi lại nhiều cũng gây tốn kém.

Mỗi tuần chỉ nên tới siêu thị một lần và mua tất cả những thứ cần thiết. Việc quay lại vì quên mua sữa hay bánh có thể khiến bạn phát sinh chi phí, hơn nữa đi lại nhiều cũng gây tốn kém.

1. Lên kế hoạch cho bữa ăn

Ngay cả đối với một gia đình tiết kiệm nhất, thì một bữa tối tùy hứng ở ngoài cũng là tốn kém. Bằng việc dành thời gian để lên kế hoạch cho những bữa ăn của cả nhà, bạn sẽ cắt giảm được chi phí. Mặc dù bạn có thể lập kế hoạch theo bất cứ cách nào bạn muốn, nhưng đơn giản nhất là lên kế hoạch cho cả tuần. Khi biết được từng ngày sẽ ăn gì, bạn sẽ chủ động hơn và không phải "chưa ăn bữa nay đã lo bữa mai" hoặc có những bữa ăn đột xuất ở bên ngoài.

Ảnh: vidavibrante.

2. Mua sắm thông minh

Bạn không cần phải có những phiếu mua hàng khó kiếm mới tiết kiệm được tiền trong các siêu thị hay cửa hàng tạp hóa. Thay vào đó, các chiến lược mua sắm thông minh có thể giảm việc chi tiêu quá tay ở những chỗ này.

Theo đó, bạn chỉ tới siêu thị một lần và mua tất cả những thứ cần thiết. Việc quay lại những cửa hàng này vì quên mua sữa hay bánh mì có thể khiến bạn bị phát sinh chi phí, hơn nữa việc đi lại nhiều cũng gây tốn kém. Bạn cũng đừng nên đi mua đồ cùng với trẻ vì khi đó chúng ta sẽ khó tập trung và có thể khó từ chối những yêu cầu của trẻ.

3. Sắp xếp một kỳ nghỉ gần

Thay vì đầu tư đi du lịch ở những nơi xa xôi đắt đỏ, có nhiều điều thú vị gần xung quanh đang đợi bạn. Khi bạn có một vài ngày nghỉ, nếu biết sắp xếp một kỳ nghỉ gần sẽ tuyệt vời không kém những kỳ nghỉ ở bên ngoài thậm chí ngay cả khi bạn ngủ trên chính chiếc giường của mình.

Những địa điểm vui chơi gần nơi bạn sinh sống như địa danh lịch sử, khu cắm trại, leo núi, bảo tàng miễn phí vào cửa, hoặc rạp chiếu phim giờ bán vé giá rẻ...là những nơi bạn có thể đến. Khi thời gian eo hẹp, hãy dành kỳ nghỉ hàng năm cho điều gì đó mới lạ. Miễn là bạn khiến cho trẻ hào hứng, chúng sẽ khó có thể bỏ lỡ chuyến đi. Những kỳ nghỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi và cùng nhau tạo ra những kỷ niệm.

4. Mua những món đồ có thể tái sử dụng

Hàng hóa dùng một lần thường rẻ và tiện dụng, nhưng lần sau dùng, bạn sẽ lại phải mua. Nếu gia đình bạn sử dụng nhiều khăn giấy, bạn có thể tính đến việc mua khăn vải thay thế vì khăn vải có thể giặt và sử dụng lại được, về lâu dài có thể tiết kiệm chi phí. Thay vì mua chai đựng nước bằng nhựa hãy mua bình inox cho các thành viên gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe vừa tiết kiệm chi phí. Tóm lại, trước khi mua những đồ sử dụng một lần, bạn hãy tìm hiểu xem có loại nào có thể tái sử dụng thay thế không.

5. Mua đồ cũ

Việc mua những món đồ đã qua sử dụng ban đầu có thể khiến bạn không thoải mái đặc biệt nếu bạn đã quen sử dụng đồ mới. Nhưng thực tế nhiều món đồ cũ cho thấy không có sự khác biệt với đồ mới khi sử dụng.

Ví dụ, bạn không nên mua sách từ hiệu sách mới mà nên mua lại ở các hiệu sách cũ. Đồ chơi cũng là loại có thể mua cũ để tiết kiệm tiền. Xe đạp và xe scooter là những món đồ nhiều tiền, nhưng chúng thường rẻ hơn đáng kể khi được mua ở những cửa hàng đồ cũ hoặc giảm giá. Bạn có thể ngạc nhiên vì chỉ với chi phí nhỏ bạn vẫn có thể mang đến niềm vui cho trẻ.

6. Tham khảo giá trước khi chi tiền

Trước khi mua sắm hay sử dụng tiền vào mục đích nào đó bạn nên tham khảo giá cả, chi phí ở nhiều nơi.

Tìm hiểu kỹ trước khi mua điện thoại di động, bảo hiểm, lắp đặt truyền hình cáp hoặc vệ tinh hay bất cứ thứ gì mà bạn phải trả tiền thường xuyên có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí mà không cần phải thay đổi thói quen sống.

7. Giải trí tại nhà

Nếu lũ trẻ đang khiến bạn phát điên, có thể là giải pháp hay khi dẫn chúng đi rạp chiếu phim hoặc chơi bowling chỉ để ra khỏi nhà. Nhưng những hoạt động này có thể là thảm họa với túi tiền của bạn.

Hãy tìm cách để trẻ giải trí tại nhà. Chơi cờ caro, tưới cây hoặc xem phim tại nhà với một túi bỏng ngô có thể đỡ tốn kém hơn nhiều. Nếu bạn cần ra khỏi nhà, hãy thử đến các khu vui chơi trong khu vực bạn sinh sống và đánh giá chúng theo các đặc điểm khác nhau, đánh dấu những nơi bạn muốn trở lại vào lần sau.

8. Đến thư viện

Một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ giải trí tiết kiệm là đưa trẻ tới thư viện công cộng. Ở đây trẻ sẽ được mượn về những đĩa phim, sách, và thích thú với chúng suốt cả tuần. Cách này càng hiệu quả bởi trẻ thường có tính “cả thèm chóng chán”.

Trừ khi bạn sống ở những khu vực không có điều kiện, thẻ thư viện thường là miễn phí và phí mượn sách thường rất nhỏ. Bạn có thể tiết kiệm tiền nếu luôn mang trả sách đúng hạn.

9. Sử dụng năng lượng một cách thông minh

Có thể bạn đã nghe câu này rất nhiều lần: tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm tiền. Tất nhiên, không phải mọi gia đình đều có những thiết bị hoặc biết cách để tiết kiệm nước toilet hoặc bình nóng lạnh. Tuy nhiên, bạn có thể tiết kiệm đơn giản bằng những cách truyền thống: tắt đèn khi không sử dụng, dùng vòi hoa sen hoặc nhà tắm hợp lý có thể giúp giảm hóa đơn, đồng thời dạy trẻ bài học quan trọng về bảo tồn năng lượng. Mặc dù đôi lúc chính bạn cũng cảm thấy phiền toái nhưng dần dần tiết kiệm năng lượng sẽ trở thành thói quen của mọi thành viên trong nhà.

Cuối cùng, bạn hãy nhớ đừng tiêu những đồng tiền mình khó khăn kiếm được một cách dễ dãi!
 
>> 5 cách bạn đang "ném tiền qua cửa sổ"
 
Theo H.Ngân (VnExpress.net)