Đời sống

7 thói quen khiến chúng ta tháng nào cũng giãy giụa trong 'rỗng tuếch', lương bao nhiêu cũng tiêu chẳng đủ

Bài ca "lương vừa tới mà sao lương đã đi" cứ tiếp diễn hết tháng này tới tháng khác chính là vì 7 thói quen trực tiếp gây ra căn bệnh "viêm màng túi" sau đây.

1. Hay bị hấp dẫn bởi hàng giảm giá

Đây là thói quen hình thành nhiều nhất ở đại đa số nữ giới. Chỉ cần thấy một cửa hàng nào treo biển "giảm giá", "sale đặc biệt", "hạ giá cuối mùa" thì rất nhiều người đều rục rịch trong lòng, cảm giác muốn mua sắm lại được thúc đẩy nhiều hơn.

Chính vì thế mới có câu: "Đàn ông sẽ trả gấp đôi để có được thứ mà anh ấy muốn. Phụ nữ chỉ chi một nửa tiền cho món đồ cô ấy không thực sự cần nhưng lại đang trong kỳ giảm giá".

Phụ nữ luôn dễ nảy sinh suy nghĩ tiếc nuối khi thấy một món đồ rẻ mà không mua được và họ thường cho rằng, cứ mua đi rồi sẽ có lúc cần dùng đến. Tuy nhiên, khi chạy theo những cuộc đua giảm giá trên thị trường, chúng ta chỉ đang lãng phí tiền bạc mà bỏ qua nhu cầu cần thiết thực sự của bản thân.

Trước khi rút tiền chi tiêu một khoản nào đấy, bạn nên xem xét thật cẩn thận, xác định mình có thực sự cần mua chúng hay không để hạn chế thói quen xấu trong chi tiêu này.

2. Không có thói quen giữ hóa đơn cẩn thận

Trong một tháng tiêu dùng bình thường, chúng ta có thể nhận được rất nhiều các loại hóa đơn khác nhau, từ hóa đơn điện tử cho đến hóa đơn bằng giấy, từ tiền điện, tiền nước, tiền shopping, tiền đồ ăn thức uống mỗi ngày... Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta có thói quen giữ hóa đơn đã thanh toán và sắp xếp chúng cẩn thận.

Chúng ta chỉ thường nhận lấy hóa đơn, kiểm tra số tiền trên đó, sau đó tiện tay vứt đi luôn. Chính vì thế, chúng ta thường khó mà nắm rõ ràng các khoản chi phí mình đã bỏ ra trong suốt một thời gian dài.

Việc không kiểm soát được các luồng chi tiêu là tiền đề khiến người ta luôn luôn không hiểu vì sao mình "viêm màng túi".

7 thói quen khiến chúng ta tháng nào cũng giãy giụa trong 'rỗng tuếch', lương bao nhiêu cũng tiêu chẳng đủ
Rất ít người trong chúng ta có thói quen giữ hóa đơn đã thanh toán và sắp xếp chúng cẩn thận

3. Không để tâm tới số tiền nhỏ

Với một người có thu nhập 10 triệu đồng, đôi khi bạn sẽ nghĩ "Ôi chiếc áo này có mỗi 200 ngàn đồng, chẳng đáng là bao" hoặc như "Cốc nước có 50 ngàn, mình khao luôn cũng được"... Thay vì nghĩ đến giá trị nhận lại, chúng ta lại suy xét theo cảm tính, không quan tâm tới những khoản tiền nhỏ nhặt mà mạnh dạn chi tiêu.

Thế nhưng, qua thời gian, các chi tiêu từ tiểu biến thành đại, có tổng giá trị như một khoản khổng lồ khiến chúng ta giật mình nhận ra trong muộn màng vì đã lãng phí quá nhiều cho những điều "vô bổ".

4. Thích quẹt thẻ

Nhiều người sử dụng thẻ tín dụng như một công cụ giúp bản thân chi tiêu không giới hạn, mà không để ý tới số lãi phải trả cho tới khi nợ ngập đầu. Vẫn biết sẽ có lúc chúng ta cần tới chức năng thấu chi của thẻ tín dụng, nhưng để tránh việc chi quá ngân sách, bạn cần kiềm chế ham muốn sử dụng nó.

Bên cạnh đó, thói quen quẹt thẻ khi thanh toán cũng khiến bạn dễ "vung tay quá trán" hơn vì thao tác quá đơn giản và nhanh chóng, bạn không cần dùng tới tiền mặt nên không có cảm giác số tiền trong tay mình đang giảm đi như thế nào.

5. Không biết cách từ chối nhân viên bán hàng

Rất nhiều người cảm thấy ngại khi từ chối mua hàng sau khi bước vào thử đồ hoặc được nhân viên nhiệt tình tư vấn.

Khi đó, do cả nể, họ vẫn sẽ chi trả cho một món đồ mà bản thân không mấy ưng ý, hoặc không có nhu cầu cần thiết quá mức. Nếu không thay đổi, thói quen này có thể gây "gánh nặng chi tiêu" cho bạn vào những khoản không mong muốn, làm giảm khả năng chi trả cho những nhu cầu thực sự.

6. Đầu tư không có kế hoạch

Nếu không có một kế hoạch phân bổ thu nhập và chi tiêu tốt, chỉ muốn ôm mộng làm giàu, kiếm thật nhiều tiền mà đưa hết số tài chính mình đang có đi đầu tư một cách không có kế hoạch thì bạn sẽ đánh mất khả năng xử lý trước những tình huống bất ngờ phát sinh, ví dụ như khi đau ốm, cần dùng tiền gấp nhưng chưa nhận được lợi nhuận hoặc số vốn chưa kịp quay vòng.

Trước khi bắt đầu hoạt động đầu tư, chúng ta phải xác định rõ ràng khoản tiền dành cho mục đích này bắt buộc không ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt cơ bản cũng như chi phí dự phòng cho trường hợp khẩn cấp.

7. Không đầu tư thời gian và tiền bạc vào bản thân

Đầu tư không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là chúng ta không dám đầu tư vào chính bản thân mình. Trong đó, những giá trị quý trọng nhất như thời gian và công sức lại càng cần để đầu tư cho chính mình có cơ hội rèn luyện khả năng và không ngừng phát triển.

Hãy bắt đầu bằng cách dành ra một khoản chi tiêu mỗi tháng để học tập thêm kiến thức cũng như bỏ thời gian 10-20 phút mỗi ngày để tự học.

Theo Dương Mộc (Soha/Trí Thức Trẻ)