Công nghệ

Tràn lan video cổ xúy dùng ma túy, YouTube có phạm luật?

Với nhiều vấn đề trong quản lý, YouTube đang tiếp tay cho người sáng tạo nội dung xem ma túy là một trò đùa bất chấp các quy định của luật pháp Việt Nam.

Với nhiều vấn đề trong quản lý, YouTube đang tiếp tay cho người sáng tạo nội dung xem ma túy là một trò đùa bất chấp các quy định của luật pháp Việt Nam.
Nhiều kênh YouTube tại Việt Nam đang xem ma túy như một nội dung hút lượt xem. Các thử thách "lần đầu sử dụng ma túy", "giả vờ dùng ma túy để thử lòng gia đình", "dùng ma túy và cái kết" xuất hiện tràn lan trên YouTube một cách thiếu kiểm soát và vi phạm pháp luật.

YouTuber xem ma túy như một trò đùa

Với từ khóa "dùng ma túy và cái kết", YouTube cho ra hàng trăm kết quả là những kênh có chủ đề "troll" (trò chơi khăm) và cả những MV với ca từ cổ súy việc sử dụng ma túy.

Tháng 3/2019, kênh YouTube của rapper Bình Gold đăng tải MV "Đớ". Chưa đầy 2 tháng, video trên đã đạt gần 1,8 triệu lượt xem và lọt top thịnh hành của YouTube. Nội dung bài hát của Bình Gold cổ súy việc sử dụng ma túy đá với các câu rap như "Đam mê thì có gì sai, không chơi thì phí cả đời trai, kệ cho đời trôi...".

Tràn lan video cổ xúy dùng ma túy, YouTube có phạm luật?
Video truyền bá ma túy xuất hiện trong phần đề xuất với hơn 700.000 lượt xem.

 Bên cạnh ca từ cổ súy việc sử dụng chất gây nghiện, video trên còn quay lại cảnh một nhóm thanh niên sử dụng ma túy, đánh bạc. Đáng nói video trên không được gắn nhãn giới hạn người dưới tuổi vị thành niên.

"Tưởng nghiện mà dễ à", chủ kênh YouTube Bình Gold viết trong phần bình luận dưới video "Đớ". Bên cạnh đó, nhiều bình luận của video cũng cổ vũ cho việc Bình Gold xem nghiện là một trò đùa và đam mê.

"Những video trên không có yếu tố giáo dục, cung cấp tư liệu hay phục vụ khoa học. Dù là giả hay thật, video trên cũng mang thông điệp không tốt, gây ảnh hưởng lớn cho người xem, nhất là giới trẻ. Họ có thể tò mò và tìm hiểu", Nguyễn Hữu Nhật - người làm nội dung YouTube có nhiều hệ thống kênh lớn nhận nút vàng nhận định.

Không chỉ có người lớn, nhiều kênh trẻ em cũng đăng tải những video có nội dung dùng thử "ma túy".

Tràn lan video cổ xúy dùng ma túy, YouTube có phạm luật? - 1
Các YouTuber nhí cũng xem ma túy là một nội dung đáng làm.

Những tiêu đề như "Troll buôn ma túy thử lòng gia đình và mọi người", "Mời bạn chơi ma túy và cái kết đắng", "Giả vờ chơi ma túy thử lòng mẹ" xuất hiện nhan nhản trên YouTube được thực hiện bởi nhiều trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên.

"Dưới góc độ giáo dục, việc xuất hiện tràn lan các clip về ma tuý vô hình trung cổ súy cho những điều bất bình thường, phi pháp trở thành những điều bình thường hàng ngày trong suy nghĩ. Từ nội dung trên YouTube, trẻ em có thể tò mò tìm hiểu để trải nghiệm cảm giác trên thực tế", Thanh Hải, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục trẻ chưa vị thành niên chia sẻ.

YouTube có tiếp tay cho việc truyền bá nội dung phi pháp tại Việt Nam?

Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, các phương tiện truyền thông như YouTube phát triển rất mạnh và thu hút lượng lớn người dùng, việc có quá nhiều đối tượng sử dụng YouTube truyền bá chất kích thích bộc lộ ra nhiều thiếu sót trong khâu quản lý.

"Theo quy định của pháp luật Việt Nam, YouTube là trang website của tổ chức nước ngoài có hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam. Vì vậy, theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 38/2016/TT-BTTT, YouTube thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này", luật sư Phan Vũ Tuấn, sáng lập công ty luật Phan Law cho biết.

Tràn lan video cổ xúy dùng ma túy, YouTube có phạm luật? - 2
"Troll buôn ma túy thử lòng gia đình và cái kết..."

Cũng theo luật sư Tuấn, pháp luật Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 73/2013/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư số 38/2016/TT-BTTT, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam. Nếu có hành vi vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ có nguyên tắc, biện pháp và cơ chế phối hợp xử lý thông tin vi phạm trên mạng.

"Trước tiên, chúng ta phải khẳng định, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy", luật sư Tuấn nhận định.

Tuy vậy, hành vi truyền bá hình ảnh sử dụng ma túy lại được quy định tại điểm b, điểm đ, khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Đây được xem là hành vi bị cấm khi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động tệ nạn xã hội hoặc thực hiện hành vi quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm.

Nếu hành vi truyền bá hình ảnh sử dụng ma túy nhằm mục đích rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ vi phạm quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự 2015.

Phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà mức phạt tù thấp nhất của tội này là 1 năm và cao nhất là tù chung thân. Bên cạnh đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Tràn lan video cổ xúy dùng ma túy, YouTube có phạm luật? - 3
Ca từ và hình ảnh truyền bá ma túy trong MV "Đớ" của rapper Bình Gold.

Về phía nền tảng, Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền xem xét các nội dung trên YouTube, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-C để xác định các thông tin vi phạm và tiến hành gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến (khoản 1 Điều 5 Thông tư 38/2016/TT-BTTT).

Khi Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi đề nghị phối hợp thông báo cho YouTube về các thông tin vi phạm cần xử lý mà mạng xã hội này không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không có phản hồi trở lại trong thời hạn, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 38/2016/TT-BTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Pháp luật Việt Nam quy định các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, video có nội dung người sử dụng các chất ma túy phục vụ các mục đích trên phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật thì mới được xem là hợp pháp.

Bất lực trong việc kiểm soát nội dung, công cụ báo cáo kém "nhạy"

Ngoài việc tuân thủ quy định quốc gia, người dùng sẽ phải tuân thủ các quy định riêng của chính YouTube.

Theo đó, chính sách do YouTube đặt ra ghi rõ: "Những nội dung nhằm khuyến khích các hoạt động nguy hiểm hoặc phi pháp có tiềm ẩn rủi ro gây tổn thương cơ thể nghiêm trọng hoặc gây tử vong không được phép xuất hiện trên YouTube".

"Chế tạo hoặc sử dụng thuốc ma túy cực mạnh, mô tả người lạm dụng các chất được kiểm soát như cocaine hoặc opioid hoặc nội dung hướng dẫn cách chế tạo ma túy. Chúng tôi có thể cho phép đăng video mô tả hành vi nguy hiểm nếu mục đích chính của video đó là mang tính giáo dục, cung cấp tư liệu, phục vụ khoa học hoặc nghệ thuật (EDSA) và không chứa hình ảnh phản cảm vô cớ", YouTube viết trong chính sách.

Tràn lan video cổ xúy dùng ma túy, YouTube có phạm luật? - 4
Theo pháp luật Việt Nam ma túy chỉ được sử dụng cho mục đích phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Trong chính sách an toàn cho trẻ em trên YouTube, mạng xã hội này quy định người sáng tạo nội dung không được đăng video có cảnh trẻ em tham gia vào một hoạt động nguy hiểm hoặc khuyến khích trẻ em tham gia những hoạt động như các pha biểu diễn nguy hiểm, sử dụng vũ khí hoặc chất nổ hoặc sử dụng chất bị kiểm soát như rượu hoặc nicotine.

Quy định là vậy, nhưng YouTube vẫn đã và đang tràn ngập những nội dung xem "ma túy" là một trò vui, câu hút lượt xem.

Việc duy nhất người dùng có thể làm là report (báo cáo) nội dung với YouTube. Tuy vậy, công cụ này không phải lúc nào cũng thực hiện đúng chức năng của nó. 

Trước thời điểm báo chí đưa tin về video hướng dẫn dùng "ma túy" của kênh PrankHD, một nhóm cộng đồng làm nội dung YouTube đã "report" video này theo đúng "quy trình" mà YouTube đưa ra để xử lý video xấu. Tuy nhiên, mãi đến khi báo chí đưa tin, YouTube mới ra tay xóa kênh của PrankHD.

"Để video trên tồn tại suốt nhiều tháng liền và chậm trễ trong việc gỡ bỏ khi nhận được báo cáo của người dùng, YouTube sẽ khó lòng giải quyết bài toán nội dung", ông Hữu Nhật nhận định.

Theo Bình Minh (Tri Thức Trực Tuyến)