Công nghệ

Smartphone Huawei đang mất dần vị thế ở châu Âu

Sau lệnh cấm của Mỹ, việc kinh doanh điện thoại của Huawei dường như không còn suôn sẻ tại thị trường châu Âu.

Stuart Wilson, 67 tuổi, sống tại London (Anh), ban đầu có ý định mua điện thoại Huawei để thay thế chiếc Galaxy S7 đã cũ. Tuy nhiên, sau khi tham khảo thông tin trên báo, ông biết Huawei đang bị Google ngừng cấp phép Android. Lo ngại thiết bị của mình không còn được cập nhật phần mềm trong tương lai, Wilson rời cửa hàng EE với chiếc Galaxy S9.

Smartphone Huawei đang mất dần vị thế ở châu Âu
Châu Âu là một trong những thị trường quan trọng của Huawei. Ảnh: Reuters.

Wilson là một trong những người dùng tại châu Âu bị tác động bởi lệnh cấm của Mỹ với Huawei trong việc lựa chọn điện thoại. "Họ có chung nỗi sợ, rằng điện thoại của công ty Trung Quốc sẽ nhanh chóng lỗi thời, mất tính năng, thiếu an toàn do không còn được hỗ trợ phần mềm thời gian tới. Không ít người còn nghĩ đến các giá trị hữu hình, lo thiết bị nhanh mất giá", Ben Stanton, nhà phân tích của Canalys, nhận xét.

Theo Bloomberg, sự lo ngại đó thể hiện ở một số thị trường thuộc châu Âu thời gian qua. Tại Pháp, một lãnh đạo ngành viễn thông tiết lộ doanh số smartphone cao cấp của Huawei đã giảm một phần năm sau khi Mỹ đưa hãng Trung Quốc vào danh sách đen. Tại Anh, không ít người đang bán lại smartphone Huawei. Một số cửa hàng cũng ngừng phân phối các mẫu cao cấp từ cuối tháng 5, chẳng hạn Mate 20 X 5G.

Việc đánh mất niềm tin khách hàng ở châu Âu có thể khiến Huawei tan giấc mơ lật đổ Samsung để vươn lên đứng đầu khu vực. Theo Canalys, người dùng châu Âu "chịu chơi" nhất khi sẵn sàng chi tiền cho các mẫu điện thoại đắt tiền hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Thị phần của hãng điện tử Trung Quốc tại đây đã tăng gấp đôi so với những khu vực khác trong giai đoạn 2014-2018, qua đó trở thành thị trường trọng điểm của Huawei trên toàn cầu.

Smartphone Huawei đang mất dần vị thế ở châu Âu - 1
Huawei là nhà cung cấp điện thoại di động lớn thứ ba châu Âu. Nguồn: Statcounter.

Khoảng một nửa doanh số smartphone của Huawei là từ bên ngoài thị trường Trung Quốc. Nhà phân tích Daniel Gleeson của Ovum cho rằng, trong bối cảnh thiết bị của hãng không thể bán ở Mỹ, châu Âu trở thành một trong những nơi quan trọng nhất, bên cạnh Trung Đông và châu Phi. Khi niềm tin của người dùng châu Âu lung lay, Huawei có thể phải trả giá đắt.

Theo SCMP, Huawei đã phản ứng quá chậm trước việc bị Mỹ cấm. Dù Huawei tiếp tục được mua linh kiện từ doanh nghiệp Mỹ cho đến ngày 19/8, người dùng chưa thể biết sau thời gian này, số phận của hãng sẽ thế nào, khiến sự lo ngại ngày càng tăng.

Gleeson đánh giá, lệnh cấm của Mỹ với Huawei có thể giúp các doanh nghiệp khác hưởng lợi. "Cấm vận sẽ khiến Huawei không còn duy trì đà tăng trưởng hiện có và sẽ được lấp đầy bởi những cái tên khác như Samsung, Apple hoặc các thương hiệu đồng hương như Xiaomi, OnePlus và Oppo", Gleeson nhận xét.

Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)