Công nghệ

'Nhà tù' công nghệ ở Trung Quốc

Thay vì "thiên đường", một thế giới "phản địa đàng" đang được xây dựng bởi sự kiểm soát từ trí thông minh nhân tạo và hàng trăm triệu chiếc camera.

Tại thành phố Trịnh Châu, một sĩ quan cảnh sát đeo kính nhận diện khuôn mặt phát hiện một kẻ buôn lậu heroin tại nhà ga xe lửa.

Tại Thanh Đảo, một thành phố du lịch mang phong cách châu Âu, camera được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo (AI) đã giúp cảnh sát bắt được hàng chục nghi phạm hình sự tại một lễ hội bia thường niên.

Ở thành phố Vu Hồ, một nghi can giết người đang lẩn trốn được xác định bởi camera khi hắn đang mua thức ăn từ một người bán hàng rong.

Với hàng trăm triệu chiếc camera và hàng tỷ dòng mã, Trung Quốc đang xây dựng một tương lai đậm chất công nghệ cao. Chính quyền sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định và theo dõi 1,4 tỷ công dân của mình.

Trung Quốc đang đảo ngược tầm nhìn chung về công nghệ. Thay vì cho phép mọi người tự do hơn và kết nối họ với thế giới, công nghệ ở đây lại mang ý nghĩa về quyền kiểm soát. Ở một số thành phố, có những màn hình với kích thước to như bảng quảng cáo ngoài trời, hiển thị khuôn mặt của những người qua đường không đúng chỗ, hoặc danh sách những người chưa trả hết hóa đơn. Còn camera có khả năng nhận diện khuôn mặt được gắn ở các trạm xe lửa hay từng lối vào khu nhà ở.

Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 200 triệu camera giám sát, gấp bốn lần so với Mỹ. Những thiết bị này sẽ bổ sung cho các hệ thống khác, theo dõi việc sử dụng Internet và truyền thông, lưu trú tại khách sạn, các chuyến tàu hỏa và máy bay hay thậm chí cả việc đi lại bằng xe hơi ở một số khu vực.

Mặc dù vậy, tham vọng của Trung Quốc có thể vượt quá khả năng. Không phải thành phố nào cũng có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp này. Bên cạnh đó, tính quan liêu ở các địa phương cũng có thể ngăn cản hiệu quả của một hệ thống có quy mô toàn quốc.

"Đây là một cách hoàn toàn mới để chính phủ quản lý nền kinh tế và xã hội", Martin Chorzempa, làm việc tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) cho biết. "Mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là quản trị bằng thuật toán".

"Trò chơi hổ thẹn"

'Nhà tù' công nghệ ở Trung Quốc

Giao lộ phía nam cầu Changhong ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc từng là cơn ác mộng. Những chiếc ôtô chạy qua đây với vận tốc rất nhanh trong khi những người đi bộ vẫn lao xuống để băng qua đường mà không thèm để ý.

Hè năm ngoái, một hệ thống camera có khả năng nhận diện khuôn mặt cùng một màn hình lớn ngoài trời được lắp đặt. Hình ảnh những người băng qua đường trái phép sau đó được hiển thị cùng với tên và số ID cá nhân. Ban đầu, mọi người vui cười khi nhìn thấy khuôn mặt của mình trên bảng. Nhưng không lâu sau đó, họ nhận ra rằng đây chính là một hình phạt.

"Nếu bị hệ thống chụp và đưa lên, dù bạn không nhìn thấy thì hàng xóm hoặc đồng nghiệp cũng sẽ thấy và họ sẽ bàn tán về chuyện đó", một người phụ nữ tên Guan Yue nói. "Đó là một điều vô cùng xấu hổ".

Trước đây, hệ thống giám sát của Trung Quốc phát triển dựa trên quan niệm rằng chỉ có thẩm quyền đủ mạnh mới có thể mang lại trật tự cho một quốc gia hỗn loạn. Nhưng dần dần, chính quyền bắt đầu lo sợ tới hậu quả của sự cai trị độc tài. Họ dần nới lỏng sự tự do và cho phép mọi người thoải mái làm giàu, chỉ cần tuân thủ luật pháp và chính trị. Thái độ mới này đã giúp mở ra nhiều thập kỷ phát triển kinh tế một cách bùng nổ. Nhưng tới hôm nay, thỏa thuận này đang bị phá vỡ. Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển một cách lệch lạc. Khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng. Người dân sau cũng ngày càng có nhiều kỳ vọng cao hơn về cuộc sống của mình.

"Cải cách và mở cửa đã thất bại, nhưng không ai dám nói ra điều đó. Hệ thống quản lý hiện tại đã tạo ra sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Vì vậy, bây giờ các nhà cầm quyền sử dụng tiền của người nộp thuế để theo dõi chính những người nộp thuế", nhà sử học Trung Quốc Zhang Lifan nói.

Công nghệ là chìa khóa cho chính quyền sức mạnh để làm được điều này. Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất thế giới về công nghệ bảo mật và giám sát. Các nhà phân tích ước tính đất nước này sẽ có gần 300 triệu camera được cài đặt vào năm 2020. Công ty nghiên cứu IHS Markit dự đoán người dân Trung Quốc sẽ sở hữu hơn 3/4 số máy chủ được thiết kế để quét cảnh quay video phục vụ cho mục đích nhận diện khuôn mặt vào thời điểm đó. Cảnh sát nước này sẽ chi thêm 30 tỷ USD trong những năm tới để cải tiến kỹ thuật giám sát. Hiện chính phủ nước này cũng nỗ lực thúc đẩy công tác nghiên cứu và phát triển các công nghệ có thể theo dõi khuôn mặt, quần áo và thậm chí cả dáng đi của một người. Các sản phẩm mới như kính nhận dạng khuôn mặt đã bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên, trái ngược với các động thái có phần sôi nổi và gấp gáp, các công dân Trung Quốc có vẻ ít quan tâm. Việc thi hành luật pháp theo hướng một chiều lâu nay đã trở thành điều bình thường ở quốc gia này. Thậm chí, nhiều người còn cổ vũ cho những nỗ lực của chính quyền, nhằm nâng cao pháp luật và đảm bảo trật tự.

"Đây là một trong những nút giao thông lớn nhất trong thành phố", Wang Fukang, một sinh viên đại học tình nguyện làm cảnh sát giao thông tại lối đi bộ ở Tương Dương cho biết. "Điều quan trọng là nó vẫn an toàn và có trật tự".

Khởi nghiệp về lĩnh vực giám sát

'Nhà tù' công nghệ ở Trung Quốc - 1

Các công ty khởi nghiệp thường yêu cầu nhân viên sử dụng công nghệ mà họ tạo ra. Ở Thượng Hải, một công ty công nghệ giám sát tên là Yitu đã áp dụng điều đó đến mức triệt để.

Mọi ngóc ngách trong văn phòng đều được gắn camera giám sát dày đặc, với khả năng nhận diện khuôn mặt. Từ bàn làm việc tới lối thoát hiểm, trên mọi hành lang, các nhân viên dễ dàng được nhận ra và minh họa bằng những chấm màu xanh dương trên màn hình hiển thị. Màn hình này thể hiện việc các nhân viên đến và về, trong cả ngày và mỗi ngày. Không chỉ muốn phát triển ở trong nước, Yitu đang có kế hoạch tăng cường ở các khu vực như Đông Nam Á và Trung Đông.

Ở Trung Quốc, theo dõi đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh lớn và hấp dẫn. Khi quốc gia sẵn sàng chi tiêu nhiều vào các hệ thống giám sát, một thế hệ các công ty khởi nghiệp đã nhanh chóng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu. Họ thậm chí có thể cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, về các công nghệ như nhận dạng hình ảnh và giọng nói. Yitu giành vị trí dẫn đầu trong một cuộc thi về viết thuật toán nhận dạng khuôn mặt năm 2017 do Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (Mỹ) tổ chức. Một số công ty Trung Quốc khác cũng đạt thành tích cao tại cuộc thi này.

Cơn lốc bùng nổ về công nghệ ở Trung Quốc này đang giúp cho tham vọng giám sát của chính phủ trở thành hiện thực. Với quy mô và sự đầu tư một cách tuyệt đối, Trung Quốc đã có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Với sự hỗ trợ của chính phủ và nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp về lĩnh vực giám sát có thể tiếp cận được rất nhiều tiền và các nguồn lực khác. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp trong số này đã cung cấp dữ liệu cho chính phủ.

Tháng 5/2018, công ty mới nổi về AI SenseTime đã thu hút được 620 triệu USD đầu tư, biến thành doanh nghiệp được định giá khoảng 4,5 tỷ USD. Yitu sau đó một tháng đã huy động được 200 triệu USD. Một công ty khác là Megvii, đã huy động được 460 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có một quỹ do nhà nước hỗ trợ.

Theo Shen Xinyang, chuyên gia về dữ liệu của Google, hiện là giám đốc công nghệ của Eyecool, một công ty mới thành lập, thị trường an ninh công cộng của Trung Quốc năm 2017 có trị giá hơn 80 tỷ USD.

"Trí tuệ nhân tạo cho an ninh công cộng thực sự vẫn chỉ là một phần rất nhỏ so với toàn bộ thị trường", ông nói. Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng hầu hết các thiết bị đang được sử dụng là "không thông minh".

Công ty của Shen có hệ thống giám sát tại hơn 20 sân bay và ga xe lửa, đã giúp bắt được 1.000 tên tội phạm. Eyecool cũng đang trao hơn hai triệu hình ảnh nhận diện khuôn mặt mỗi ngày cho một hệ thống dữ liệu lớn đang được phát triển của cảnh sát, gọi là Skynet.

Một công ty khác có tên Number 1 Community đang phát triển ứng dụng cho phép phát hiện đám đông đang xung đột. Bên cạnh đó là một ứng dụng cho phép cảnh sát sử dụng bản đồ ảo của các tòa nhà để tìm ra ai đang sống ở đâu.

Còn tại một tòa nhà ở thành phố Tương Dương, một hệ thống nhận dạng khuôn mặt được thiết lập tại cổng an ninh, thu thập hình ảnh của cư dân để bổ sung cho hệ thống dữ liệu của cảnh sát địa phương.

"Nhà tù công nghệ" kiểu Panopticon

'Nhà tù' công nghệ ở Trung Quốc - 2

Panopticon là kiểu nhà tù do Jeremy Bentham, một nhà tư tưởng người Anh, thiết kế vào thế kỉ 18. Đó là tòa nhà hình tròn với tòa tháp canh được đặt ở trung tâm, giám sát toàn bộ các tù nhân bị nhốt trong cũi sắt ở xung quanh. Nó được thiết kế sao cho các tù nhân không thể nhìn thấy người canh gác. Vì thế ngay cả khi không có người canh trong tháp, tù nhân vẫn sống trong cảm giác bị theo dõi.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được phát triển ở Trung Quốc cũng tương tự như vậy. Minh chứng cho cách làm việc hiệu quả nhất là không phải lúc nào nó cũng hoạt động.

Cảnh sát ở thành phố Trịnh Châu gần đây đã trình diễn trước báo giới hệ thống giám sát của mình tại một nhà ga đường sắt cao tốc. Một nữ cảnh sát chụp hình hành khách thông qua thiết bị có hình dạng một chiếc kính râm. Nhưng kính chỉ hoạt động nếu mục tiêu đứng yên trong vài giây. Công nghệ này được sử dụng chủ yếu để kiểm tra xem khách du lịch có sử dụng giấy tờ giả hay không.

Theo chia sẻ từ giám đốc công nghệ của một công ty làm việc cho chính phủ, cơ quan dữ liệu quốc gia Trung Quốc đã "gắn cờ theo dõi" khoảng 20 tới 30 triệu người. Đây chủ yếu là những kẻ khủng bố, tội phạm, buôn bán ma túy, các nhà hoạt động chính trị và những người khác. Con số này quá lớn để các hệ thống nhận dạng khuôn mặt có thể phân tích mỗi ngày.

Có thể nói, hệ thống này vẫn còn nhiều sự chắp vá về kỹ thuật hơn là một mạng lưới công nghệ toàn diện. Nhiều tệp tin vẫn chưa được số hóa, một số tệp khác không khớp nội dung với nhau. Những hệ thống mà cảnh sát hy vọng một ngày nào đó sẽ được hoàn toàn xử lý bởi A.I, hiện điều hành bởi các nhóm người. Họ vẫn phân loại ảnh và dữ liệu theo cách cũ.

Ví dụ, ở giao lộ tại thành phố Tương Dương. Hình ảnh những người qua đường trái phép không xuất hiện ngay lập tức. Các bảng quảng cáo thường hiển thị thông tin từ tuần trước, gần đây độ trễ đã giảm xuống còn khoảng năm hoặc sáu ngày. Các quan chức cho biết cần sàng lọc các hình ảnh để chúng phù hợp với nhận dạng của người dân.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã sớm bắt tay vào một chiến dịch để thuyết phục người dân rằng một hệ thống an ninh công nghệ cao đã được hoàn thiện.

Đội ngũ tuyên truyền rất thích những câu chuyện trong đó cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phát hiện những tên tội phạm bị truy nã tại các sự kiện lớn. Một bài báo trên People’s Daily đã viết về một loạt các vụ bắt giữ được thực hiện với sự trợ giúp của công nghệ nhận diện khuôn mặt tại một buổi hòa nhạc của ngôi sao nhạc pop Jackie Cheung.

Ở nhiều nơi khác, hệ thống này hoạt động tốt. Tại ngã tư ở Tương Dương, tình trạng băng qua đường trái phép đã giảm. Tại một khu dân cư phức hợp, nơi các cổng an ninh tích hợp nhận diện khuôn mặt được công ty Number 1 Community lắp đặt, tình trạng ăn cắp xe đạp đã ngừng hoàn toàn.

"Vấn đề là mọi người không biết liệu họ có bị theo dõi hay không. Sự không chắc chắn đó làm cho mọi người trở nên vâng lời hơn", Chorzempa, làm việc tại Viện Peterson nói. Ông mô tả cách tiếp cận này như một "Panopticon", với ý tưởng rằng mọi người sẽ tuân theo các quy tắc một cách chính xác bởi vì họ không biết liệu mình có bị theo dõi hay không.

Ở Trịnh Châu, các cảnh sát thích thú giải thích cách những chiếc kính nhận diện khuôn mặt có thể khiến bọn tội phạm thú nhận hành vi. Ông Shan, Phó cảnh sát trưởng ga đường sắt Trịnh Châu, kể lại cảnh đồng sự của mình đối mặt với một tay buôn lậu heroin. Ông cho biết khi đó, nhân viên cảnh sát lôi cặp kính ra và nói với kẻ tình nghi rằng những gì hắn ta nói không quan trọng. Bởi chiếc kính có thể cung cấp cho họ tất cả thông tin cần thiết.

"Vì anh ta sợ bị phát hiện bởi công nghệ tiên tiến, nên đã thú nhận", Shan nói thêm rằng nghi phạm đã nuốt 60 gói heroin nhỏ. "Chúng tôi thậm chí không sử dụng bất kỳ kỹ thuật thẩm vấn nào. Anh ta chỉ đơn giản là buông bỏ tất cả".

Theo Bảo Nam (VnExpress.net)