Công nghệ

Nghị viện châu Âu thông qua luật yêu cầu Facebook, Google trả phí

Luật mới cho phép các hãng tin tức và thu âm ở châu Âu được yêu cầu Google, Facebook trả phí cho việc sử dụng nội dung.

Nghị viện châu Âu thông qua luật yêu cầu Facebook, Google trả phí
Biểu tượng Facebook và Google. Ảnh: Reuters.

Với 438 phiếu thuận, 226 phiếu chống và 39 phiếu trắng, các nghị sĩ châu Âu hôm 12/9 nhất trí thông qua gói cải cách nhằm buộc các hãng Internet lớn phải chia sẻ doanh thu với các nhà sản xuất âm nhạc, video và tin tức ở châu Âu, theo Reuters.

Ủy ban châu Âu (EC) và 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm thu hẹp những bất đồng và thống nhất quan điểm trước khi cập nhật đạo luật bản quyền hiện hành.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết kết quả bỏ phiếu là "tiến bộ lớn cho châu Âu". Giám đốc kỹ thuật số của EC Andrus Ansip nói luật mới gửi tín hiệu cải cách mạnh mẽ và tích cực nhằm bảo vệ các nhà nghiên cứu, nhà văn, truyền thông và các tổ chức di sản văn hóa EU. Liên đoàn các đạo diễn phim châu Âu (FERA), Liên đoàn các nhà biên kịch châu Âu (FSE) và Hội tác giả nghe nhìn (SAA) cũng hoan nghênh cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ và các hãng Internet lớn chỉ trích cải cách này.

"Các nghị sĩ châu Âu quyết định hỗ trợ việc lọc thông tin bản quyền trên Internet để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp âm nhạc và xuất bản, bất chấp sự phản đối kịch liệt của công chúng", Siada El Ramly, tổng giám đốc Edima, một hiệp hội thương mại đại diện cho các nền tảng trực tuyến như Facebook và Google, cho biết.

Nghị sĩ Julia Reda cho rằng quyết định là "một cú đánh mạnh mẽ đối với Internet tự do, cởi mở" và cơ quan lập pháp châu Âu đã đặt "lợi nhuận doanh nghiệp lên tự do ngôn luận", "chỉ đơn thuần mang tính tô vẽ bên ngoài". Google, Microsoft và một số nền tảng khác có thể bị buộc phải trả tiền để hiển thị nội dung, tuy nhiên, Tây Ban Nha, Đức cũng từng áp dụng hình thức này và kết quả hoàn toàn ngược lại khi các nhà xuất bản báo cáo rằng lượng truy cập đến website của họ bị giảm đáng kể.

Luật mới cũng yêu cầu các nền tảng trực tuyến như YouTube và Instagram cài đặt bộ lọc để ngăn người dùng đăng tải những nội dung có bản quyền. Các nhà phê bình cho rằng động thái này có thể dẫn đến kiểm duyệt.

"Bằng cách ủng hộ các giới hạn mới về mặt pháp lý và kỹ thuật đối với những gì chúng ta có thể đăng tải và chia sẻ trực tuyến, Nghị viện châu Âu đang đặt lợi nhuận doanh nghiệp lên tự do ngôn luận và từ bỏ các nguyên tắc lâu đời đã đưa internet trở nên phổ biến như hiện nay", Reda nói.

Google bày tỏ sự thất vọng với kết quả bỏ phiếu của nghị viện châu Âu."Điều này thật đáng buồn đối với những người sáng tạo, nhà cải cách và các doanh nhân", Philipp Schindler, giám đốc kinh doanh của Google, nói.

Mozilla, công ty cung cấp trình duyệt web, cho rằng cuộc chiến vẫn chưa dừng lại. "Chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để đạt được một cải cách hiện đại, giúp bảo vệ môi trường internet và thúc đẩy quyền của người dùng", công ty cho biết.

Nghị sĩ Axel Voss, người chủ trương cải cách, cho biết ông đã thực hiện một số sửa đổi và giới thiệu các biện pháp bảo vệ các công ty nhỏ sau những chỉ trích về quan điểm cứng rắn ban đầu của ông. "Nhiều công ty công nghệ lớn đã khai thác tác phẩm của các nghệ sĩ và người sáng tạo mà không trả tiền cho họ. Do đó chúng tôi cần thiết lập một sự cân bằng hợp lý giữa các chủ sở hữu bản quyền ở châu Âu và nền tảng trực tuyến". 

EC khởi động việc thảo luận gói cải cách bản quyền từ năm 2016 nhằm đảm bảo các nền tảng trực tuyến phải chia sẻ doanh thu cho các nhà xuất bản, các hãng phát thanh truyền hình và các nghệ sĩ một cách công bằng, cũng như chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến. Nghị viện châu Âu hồi tháng 7 từ chối thông qua nhưng sau đó thay đổi quyết định khi các nghị sĩ điều chỉnh nội dung, trong đó bao gồm đảm bảo các nền tảng nhỏ không bị ảnh hưởng.

Theo Huyền Lê (VnExpress.net)