Công nghệ

Không phải IQ mà EQ mới chính là tương lai của trí tuệ nhân tạo

Với việc công nghệ AI đang phát triển cộng với nhu cầu sử dụng trợ lý giọng nói trên smartphone bắt đầu tăng dần, trí thông minh cảm xúc EQ mới chính là chìa khóa giúp AI tiếp cận và hòa mình tốt hơn với con người.

Không phải IQ mà EQ mới chính là tương lai của trí tuệ nhân tạo

Nhắc đến trí tuệ nhân tạo (AI), người ta thường liên tưởng đến hình ảnh một chú robot vô tri vô giác cố gắng sử dụng thuật toán tìm kiếm nhằm giải đáp những thắc mắc cơ bản nhất của con người như “Tòa nhà Empire State cao bao nhiêu mét?” hay “có thể đựng được bao nhiêu gram đường trên một thìa cà phê?”. Thật hiếm khi có người để tâm tới thứ gọi là trí thông minh cảm xúc (EQ) của AI - một bản chất nội tại đã gắn liền với khái niệm loài người và ăn sâu vào tiềm thức chúng ta đến mức dường như ta coi đó là điều hiển nhiên và mặc định.

Tại Hội thảo công nghệ TNW 2018 do tờ The Next Web tổ chức vừa diễn ra gần đây, bà Pamela Pavliscak, CEO công ty công nghệ Change Sciences đã bàn về cái gọi là “cuộc cách mạng cảm xúc” mà con người sẽ được chứng kiến diễn ra trên máy móc và phần mềm chỉ trong vài năm tới. Theo Pamela Pavliscak, để có thể đạt hiệu quả cao và tạo được nhiều tác động tích cực nhất, AI nói chung và trợ lý ảo nói riêng cần phải hiểu và thực hiện hành động trong khuôn khổ dấu hiệu tình cảm của con người - hay nói đơn giản hơn, chúng phải dần trở nên có cảm xúc.

Không phải IQ mà EQ mới chính là tương lai của trí tuệ nhân tạo - 1

Đây không hoàn toàn là khái niệm mới mẻ, các "ông lớn" công nghệ từ lâu đã hiểu được rằng để máy móc và phần mềm vô tri thực sự đi vào đời sống con người, cần phải xóa nhòa được ranh giới cảm xúc hiện hữu giữa con người và cỗ máy. Nhân cách hóa công nghệ, làm cho công nghệ trở nên gần gũi hơn, thân thiện hơn với cử chỉ, cảm xúc của con người từ lâu đã là tiêu chí của nhiều công ty công nghệ hàng đầu. Chẳng vậy mà từ hơn mười năm trước chúng ta đã có Microsoft Clippy, được ví như “ông tổ” của trợ lý ảo và được xem là bước phát triển đi trước thời đại tại thời điểm đó.

CEO Pavliscak chia sẻ: “Clippy thiếu đi cảm xúc, thêm vào đó nó không biết cách học hỏi thói quen của người dùng Windows. Tất nhiên, điều đó không thể xảy ra bởi khi đó chúng ta chưa có AI. Nhưng có lẽ nếu Clippy làm khá hơn trong việc nhận diện cảm xúc và biết khi nào bạn cần trợ giúp, nó đã có thể trở thành một thành công ngoài sức tưởng tượng”.

Không phải IQ mà EQ mới chính là tương lai của trí tuệ nhân tạo - 2
CEO Pamela Pavliscak phát biểu tại Hội thảo TNW 2018 (ảnh từ TNW)

Giờ đây, khi mà trợ lý giọng nói ngày càng trở nên phổ biến và thông minh hơn, cộng thêm với việc người dùng đang dần đưa AI vào sử dụng trong tương tác đời thường nhiều hơn, việc đào tạo cho AI hiểu được cảm xúc con người cũng như có cảm xúc riêng của mình - dù là thách thức không dễ dàng - nhưng cũng đồng thời là yêu cầu hoàn toàn hợp lý. Theo số liệu từ Pavliscak, có tới 37% người dùng trợ lý giọng nói mong ước AI của mình là một người thật - và con số đó không chỉ bao gồm trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ có xu hướng cảm xúc mạnh mẽ hơn người lớn và không cần quá nhiều để chiếm được cảm tình từ một đứa trẻ như cho thấy trong video dưới đây về bé Rayna:

Bản chất con người luôn muốn được sống trong bầy đàn, luôn muốn được giao tiếp và luôn muốn được quan tâm. “Nhân cách hóa công nghệ không cần quá nhiều như chúng ta nghĩ. Chỉ đơn giản là một đôi mắt, một giọng nói, một tiểu sử bản thân, một dấu hiếu dù là nhỏ nhất cho thấy cử chỉ của con người...chúng ta nhân hóa mọi thứ mà”. Điều nữ CEO Pavliscak nói thực sự đúng khi số liệu nghiên cứu cho thấy có tới 27% số người độ tuổi từ 18-24 cho biết sẵn sàng thiết lập mối quan hệ với...một chú robot.

Vậy, con người sẽ “bơm” cảm xúc vào AI ra sao và lấp đầy khao khát sâu thẳm được bày tỏ cảm xúc với thế giới bên ngoài như thế nào? Câu trả lời là trên một khía cạnh nào đó, khiến AI hiểu được chúng ta tốt hơn. Một ví dụ điển hình đó là về nhận diện khuôn mặt (và thấu hiểu dữ liệu cảm xúc thể hiện ra trên nét mặt) và cách mà công nghệ này đã trở nên vô cùng phổ biến chỉ trong vài năm gần đây. Từ những ứng dụng đời thường dành cho mọi người như Face ID trên iPhone X và hàng loạt smartphone Android đầu bảng khác, đến những thí điểm mang tính dân sự như camera an ninh có thể nhận diện được cảm xúc tức giận trên khuôn mặt người đi đường và giúp phòng tránh tai nạn đáng tiếc, nhận diện khuôn mặt đang dần chứng minh bản thân là công nghệ của tương lai và sẽ tiếp tục thống trị trong thời gian tới.

Không phải IQ mà EQ mới chính là tương lai của trí tuệ nhân tạo - 3

Sau cùng, con người sẽ luôn giỏi hơn máy móc trong việc nhận diện và thấu hiểu một vài khía cạnh của cảm xúc, thế nhưng sẽ đến một thời điểm trong tương lai, khi mà máy móc lại làm khá hơn chúng ta trên một số khía cạnh khác. Và điều mà vị nữ CEO Pavliscak mường tượng ra là một tương lai trong đó máy móc giúp con người trở nên thông minh hơn - về mặt lý trí và cảm xúc:

“Có lẽ, chỉ là có lẽ thôi, khi EQ của trí tuệ nhân tạo phát triển hơn, thì EQ của con người cũng sẽ tăng lên theo”.

Theo Công Minh (Ictnews.vn)