Công nghệ

Hacker chiếm hàng ngàn máy tính để 'đào' tiền ảo

Các hacker đã chiếm quyền kiểm soát hàng ngàn trang web của chính phủ Anh để giúp chúng "đào" các loại tiền ảo, chẳng hạn như Bitcoin.

Hacker chiếm hàng ngàn máy tính để 'đào' tiền ảo

Ước tính có tới 4.700 trang web bị hacker tấn công. Trong số đó có cả những trang web thuộc về Văn phòng Cao ủy thông tin Anh, Công ty các khoản vay sinh viên và đường dây nóng Hệ thống y tế công Scotland. Tất cả chúng đều bị nhiễm virus có tên Coinhive.

Các hacker đã gài Coinhive vào phần mềm đang được các trang web sử dụng để giúp những người dùng khiếm thị truy cập vào trang. Và khi người dùng kích vào những trang này, virus sẽ tự động chuyển sang máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng của họ.

Thông qua virus, bọn tội phạm công nghệ cao sau đó sẽ chiếm quyền kiểm soát và lợi dụng các thiết bị để giúp chúng kiếm tiền. Cụ thể, các hacker sử dụng sức mạnh xử lý từ các thiết bị lây nhiễm Coinhive để "đào" các loại tiền ảo, chẳng hạn như Bitcoin.

"Về cơ bản, các nạn nhân đã vô tình hỗ trợ cho hacker. Thiết bị của họ có thể chạy chậm hơn do đang bị lợi dụng để đào các loại tiền ảo. Song, phần tồi tệ nhất là chúng đang bị điều khiển làm việc cho bọn tội phạm", Scott Helme, nhà nghiên cứu bảo mật phát hiện ra vụ tấn công đầu tiên giải thích.

Như chúng ta đã biết, "đào" tiền ảo là một quá trình tạo ra những đồng tiền kỹ thuật số mới bằng cách giải những câu đố toán học hóc búa, sử dụng lượng lớn sức mạnh xử lý máy tính. Khi đào được các đồng tiền ảo này, chúng có thể được lưu trữ trực tuyến và sau đó rút như tiền thật. Kể từ khi ra đời, đồng tiền ảo Bitcoin đã tăng vọt giá trị từ 0,72 USD lên 17.000 USD.

Vụ tấn công nói trên xảy ra không đầy 1 năm sau khi sự cố mã độc tống tiền Wannacry phá hoại các máy tính thuộc về hơn 1/3 số cơ sở y tế công của Anh.

Một phát ngôn viên của Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) nhấn mạnh: "Các chuyên gia kỹ thuật của NCSC đang kiểm tra các dữ liệu liên quan đến những vụ mã độc dùng để khai thác tiền ảo trái phép. Những dịch vụ bị ảnh hưởng đã được đưa về hoạt động ngoại tuyến, chủ yếu làm giảm thiểu mức độ nguy hại. Ở giai đoạn hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy người dân đang đối mặt với rủi ro".

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)