Công nghệ

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua?

Đích đến cuối cùng của cuộc đua này là khả năng chụp ảnh tự động như một chiếc máy ảnh DSLR, tích hợp trong một thiết bị cầm tay.

Sự ra đời của smartphone là một trong những bước tiến đáng ghi nhận nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Nó không đơn thuần là thiết bị liên lạc bỏ túi mà dần đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của con người.

Nhiếp ảnh là một phần quan trọng không kém. Nó tạo ra nhiều nhu cầu mới như chia sẻ hình ảnh hàng ngày, chụp ảnh selfie, video call. Nhiếp ảnh smartphone đang dần khẳng định mình bằng sự tuột giảm liên tiếp doanh số của máy ảnh du lịch. Theo số liệu từ GfK, doanh thu từ máy ảnh du lịch của Canon giảm 2% mỗi năm bởi sự thay thế của smartphone.

Thời sơ khai của nhiếp ảnh điện thoại

Thời điểm ra mắt iPhone và HTC Dream (2007) có lẽ là cột mốc tiêu biểu cho sự ra đời điện thoại thông minh hiện đại.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua?
Hai model mở ra khái niệm mới về những chiếc smartphone hiện đại. Ảnh: Red Mondpie.

Trước thời điểm đó, đã từng có những model có camera khá nổi bật. Tuy nhiên khái niệm smartphone định hình rõ nhất từ khi iPhone và HTC Dream ra đời. iPhone thế hệ đầu tiên trang bị camera 2 MP, HTC Dream có cảm biến 3,15 MP. Cả hai cùng có khả năng lấy nét tự động, tuy nhiên không thể quay video và chỉ có duy nhất camera sau.

Mặc dù cả hai đều có khả năng của một chiếc máy ảnh, nhưng vẫn chưa thật sự thay thế được những chiếc máy ảnh du lịch trang bị khả năng chụp ảnh tốt hơn thời bấy giờ.

Cuộc đua thiết bị selfie

Năm 2003, Sony Ericsson Z1010 là chiếc điện thoại đầu tiên có khả năng chụp ảnh selfie trên thế giới. Nhưng mãi đến năm 2010, iPhone 4 và HTC Evo 4G mới thật sự khai thác tốt thiết kế phần cứng này. Hai model trên thổi một làn gió mới vào thị trường điện thoại, tạo ra thói quen sử dụng mới cho người dùng. Theo thống kê từ Google, có hơn 24 triệu bức ảnh selfie được đăng tải lên Internet năm 2015 và tiếp tục tăng theo sự phát triển của điện thoại thông minh.

Ban đầu, camera trước chỉ có độ phân giải 0,3-1,3 MP và dĩ nhiên không có khả năng quay video. Thời điểm đó, như một quy luật bất thành văn, camera trước luôn có độ phân giải thấp hơn camera sau. Với độ phân giải như vậy, nhu cầu selfie vẫn chưa thật sự nở rộ. 

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 1
Độ phân giải camera trước của các model trước đây khá hạn chế. 

Sau một thời gian phát triển, camera trước có thêm tính năng quay video. Lúc này mục đích sử dụng chính của camera trước là để gọi điện video. Nhu cầu chụp ảnh selfie vẫn chưa được định hình mãi cho đến khi độ phân giải camera trước đạt 2-3 MP, mọi người mới bắt đầu selfie nhiều hơn.

Đến năm 2013, smartphone bước qua giai đoạn đáng tự hào với khả năng selfie của mình. Các hãng điện thoại bắt đầu trang bị camera trước độ phân giải cao hơn 8-16 MP. Xu hướng truyền thông lúc đó cũng tập trung nhiều hơn việc giới thiệu tính năng trên camera trước của máy.

Bên cạnh phần cứng, các hãng cũng tập trung vào phần mềm. Các model từ phổ thông đến cao cấp đều trang bị cho mình tính năng "làm đẹp" và các bộ lọc màu đẹp mắt cho ảnh selfie. Tuy nhiên xu hướng này 10 năm qua vẫn chưa xuất hiện trên iPhone.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 2
Oppo N1 tự hào với khả năng tận dụng camera sau cho mục đích selfie.

Năm 2017, Oppo F3 là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên phá bỏ quy luật camera sau luôn hiện đại hơn camera trước. Máy sở hữu camera sau 13 MP nhưng có cụm máy ảnh trước kép 16 + 8 MP, được thiết kế để chụp ảnh selfie đẹp và nhiều tùy chọn chụp hơn. 

Oppo cũng là thương hiệu đầu tư nhiều chất xám cho tính năng này. Model N1 của hãng với thiết kế máy ảnh xoay cho phép vừa chụp được ảnh selfie vừa chụp được ảnh thông thường.

Độ phân giải ngày càng cao

Một khi smartphone có cấu hình mạnh hơn thì công nghệ camera cũng từ đó được cải thiện hơn. Các nhà sản xuất bắt đầu cuộc đua mới về độ phân giải. 2013 trở đi là giai đoạn khốc liệt nhất khi các hãng luôn cố vượt mặt nhau về thông số phân giải, mãi đến năm 2016 mới có dấu hiệu dịu xuống. 

Các hãng sản xuất cũng tự phân biệt những thế hệ điện thoại của mình bằng việc tăng dần độ phân giải, những con số này luôn dễ nổi bật trên bảng thông số kỹ thuật.

Ngày nay, mọi người hiểu rằng độ phân giải không phải là tất cả, nhưng vào thời điểm ấy con số càng lớn đồng nghĩa với việc chụp càng chi tiết, càng đẹp hơn.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 3
Từ lúc Nokia ra mắt Lumia 1020 có độ phân giải 41 MP, cuộc đua độ phân giải gần như đi đến giới hạn của nó.

Trường hợp của Sony và Lumia của Nokia là một ví dụ cho sự khốc liệt trong cạnh tranh. Năm 2013, Xperia Z1 tự hào khi sở hữu độ phân giải 21 MP. Cùng năm đó Lumia ra mắt 1020 với độ phân giải 41 MP.

Thời gian dần trôi và xu hướng cũng qua, 13 MP là giá trị trung bình về độ phân giải được giữ cho đến nay. Đa phần các mẫu smartphone sẽ sử dụng độ phân giải này bởi cuộc đua số pixel trở nên nhàm chán trong suy nghĩ người dùng.

iPhone được coi là một trong những mẫu smartphone chụp ảnh tốt. Suốt 10 năm, mẫu smartphone này chỉ thay đổi qua 3 mốc là 5, 8, 12 MP. Model mới nhất của hãng vẫn giữ cho mình độ phân giải 12 MP.

Tương tự với Apple là Samsung, hãng chuyển từ 8 MP (Galaxy S2 2011) lên 13 MP (Galaxy S4 2013) sau đó là 16 MP (Galaxy S5 2014) và quay trở lại với 12 MP vào năm 2016. Có lẽ các hãng đã dần nhận ra, độ phân giải không phải là tất cả của một bức ảnh và cuộc đua này không còn hiệu quả.

Cuộc đua tính năng

Ngoài độ phân giải, các hãng smartphone cũng giới thiệu nhiều tính năng hỗ trợ nhằm tự tăng năng lực cạnh tranh cho mình.

Khả năng quay video của máy tăng từ 720p, 1.080p và giờ đây là 4K trong 10 năm qua. Phát triển cùng với chất lượng video là khả năng ổn định khi quay. Khả năng chống rung dần xuất hiện trên hầu hết thiết bị smartphone năm 2014. Năm 2016, HTC 10 là chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng OIS ở cả camera trước và sau.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 4
Khả năng tùy chỉnh thông số tay trên smartphone từng được nhiều hãng xem như một tính năng để cạnh tranh với các thương hiệu khác. Ảnh: Android Police.

Gần đây là xu hướng quay phim siêu chậm 960 khung hình/giây. Tính năng này có cơ hội phát triển là nhờ công nghệ cảm biến tích hợp DRAM của Sony. Cảm biến này cho phép lưu trữ nhanh hơn số hình ghi được trong một giây. Tuy nhiên tính năng này chưa thực sự gây chú ý bởi người dùng chưa thật sự dùng nó nhiều.

Với hạn chế về thuật toán, camera trên smartphone không thể đáp ứng, xử lý hiệu quả hoàn toàn các trường hợp chụp ảnh. Vì thế tùy chỉnh tay là một tính năng được nhiều người chú ý. Ban đầu điện thoại chỉ có thể chỉnh EV, ISO, cân bằng trắng.

Về sau nhiều mẫu điện thoại trong đó có Lumia trang bị những tùy chỉnh chuyên sâu hơn như tốc, khẩu. Một thời gian dài của năm 2015, các hãng điện thoại xem khả năng phơi sáng 10 giây là một lợi thế mà họ phải đưa ra trang bìa của tờ bướm quảng cáo.

Thí nghiệm camera thông minh

Nhu cầu lớn về smartphone chụp ảnh đã đẩy các hãng vào cuộc thí nghiệm mới, tạo ra một chiếc máy ảnh thông minh, kết hợp máy ảnh compact truyền thống với một chiếc smartphone. Kết quả của thí nghiệm này là model Galaxy Camera, Galaxy Zoom của Samsung và DMC-CM1 của Panasonic.

Năm 2012, chiếc máy đầu tiên được Samsung sản xuất có tên Galaxy Camera với độ phân giải 16,3 MP, zoom quang học 21X, chống rung OIS và đèn flash xenon. Đây là cấu hình tốt của một chiếc máy ảnh compact thời đó. Tuy nhiên model này chạy trên hệ điều hành Android Jelly Bean và kết nối 4G LTE.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 5
Với cấu hình của một chiếc máy ảnh du lịch nhưng chạy Android, Samsung đã có một thử nghiệm thất bại với sản phẩm này. Ảnh: CNET.

Panasonic DMC-CM1 xuất hiện vào cuối năm 2014, cung cấp một số chi tiết kỹ thuật điện thoại thông minh mạnh mẽ hơn so với flagships vào thời điểm đó. 

Cuối năm 2014, Panasonic cho ra đời model DMC-CM1 với sự kết hợp của cấu hình một flagship với khả năng chụp ảnh của máy ảnh du lịch. Máy trang bị cảm biến 20,1 MP, ống kính Leica, khẩu độ tùy chỉnh được nhưng mức giá lại khá cao. Tuy nhiên những sản phẩm này quá to để trở thành một thiết bị di động bỏ túi.

Kích thước pixel lớn hơn

Chắn chắn một điều số điểm ảnh của điện thoại thông minh đã dần chạm ngưỡng bởi hạn chế về kích thước cảm biến, năng lực lưu trữ và khả năng chia sẻ qua tốn băng thông. Trong nỗ lực mới hơn để tạo lợi thế cạnh tranh. Các hãng điện thoại bắt đầu tăng kích cỡ pixel, chất lượng cảm biến.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 6
Kích thước điểm ảnh lớn hơn giúp thu được nhiều ánh sáng hơn, tuy nhiên lại giảm độ phân giải nếu cùng kích cỡ cảm biến. 

HTC góp một phần tiên phong trong xu hướng này. Hãng đã tạo ra công nghệ Ultrapixel với kích thước điểm ảnh lên đến 2 micromet trên model HTC One M7. Tuy nhiên mẫu smartphone này chỉ có độ phân giải 4 MP, khá thất vọng.

Gần đây chuẩn kích thước thường dùng nhất được nhiều hãng sử dụng là 1,4 micromet. Google Pixel vượt trội hơn với 1,55 micromet.

Năm 2018, công nghệ Dual Pixel, một điểm ảnh được chia hai đang là xu hướng. Nó vừa đảm bảo khả năng thu sáng mạnh mẽ, vừa cho tốc độ lấy nét nhanh hơn. Trước đó Galaxy S7, là sản phẩm đầu tiên trang bị công nghệ này.

Camera kép là thứ phải có trên flagship 2018

Cuối 2017 đến nay, camera kép gần như là phần cứng phải có trên các flagship, thậm chí là 3 camera.

Trước đây, ống kính góc rộng của LG G5 là một trong nhưng thiết bị có camera kép đầu tiên đáng chú ý trong giới smartphone. LG vẫn tiếp tục theo đuổi xu hương này một thời gian dài trên các model như G6, V serie. Nhưng cụm camera kép này kết hợp ống kính thường và ống kính góc rộng.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 7
Camera kép đang là chuẩn trên smartphone của năm 2018. Ảnh: The Verge.

Trong khi đó sự kết hợp giữa Huawei và Leica đã mang đến cụm camera kép đen trắng/màu cho hình ảnh sắc nét, giảm nhiễu. Và cuối cùng năm 2017, Apple tham gia cuộc đua camera kép với lựa chọn ống kính thường và tele. Cũng từ đó, lựa chọn này được nhiều hãng sử dụng hơn.

Camera kép không hoàn toàn là một công nghệ mới. HTC One M8 đã từng sở hữu tính năng này năm 2014. Thậm chí một số model cũ hơn như LG Optimus 3D và HTC Evo 3D đã thử nghiệm camera kép cho mục đích tạo hình ảnh 3D từ năm 2011.

Xóa phông như DSLR

Tất cả nỗ lực từ nâng độ phân giải, kích thước pixel, chất lượng ảnh... đều có mục đích chính là mang khả năng chụp ảnh của smartphone đến gần hơn với DSLR.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 8
Camera kép ngày nay được sử dụng với mục đích chính là xóa phông.

Khả năng xóa phông, zoom sẽ là đang là xu hướng mới của smartphone. Nổi bật là những cái tên như iPhone X, Galaxy S9, Google Pixel 2. Và gần đây nhất là Huawei P20 Pro với khả năng chụp chân dung xóa phông ấn tượng cùng khả năng zoom quang học 5X.

Thời đại của A.I

Dù trang bị khả năng chụp, tùy chỉnh hiệu quả đến đâu thì smartphone vẫn không có khả năng suy nghĩ như con người. Ngay cả với máy DSLR, những trường hợp đặc thù như người ngược sáng, phơi sáng, con người vẫn phải tương tác, hiệu chỉnh.

Cuộc đua camera điện thoại khốc liệt thế nào trong 10 năm qua? - 9
Từ đầu năm 2018, Camera A.I đang được các hãng ra mắt nhiều hơn.

Nhưng với smartphone lại khác, người dùng yêu cầu một thiết bị có thể tự động hoàn toàn, đơn giản khi sử dụng. 

Các model ra mắt đầu năm nay như Honor 10, Huawei P20 Pro, Xiaomi Mi Mix 2S, Asus Zenfone 5 cũng bắt đầu truyền thông về khả năng nhận diện, xử lý cảnh chụp bằng A.I của mình. 

Có thể camera smartphone kết hợp trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng trong thời gian tới.

Theo Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)