Công nghệ

Công nhân sản xuất iPhone phải tiếp xúc với hóa chất độc hại

Báo cáo mới cho thấy công nhân trong các nhà máy chuyên cung cấp linh kiện cho Appletại Trung Quốc có môi trường làm việc rất nguy hiểm.

Tại tổ hợp sản xuất Catcher Technology tại thành phố công nghiệp Tú Thiên (Giang Tô, Trung Quốc), các công nhân làm việc 10 tiếng mỗi ngày trong các xưởng để cắt và dập vỏ iPhone. Trong quá trình này, họ phải tiếp xúc và xử lý các hóa chất độc hại mà đôi khi không có găng tay hoặc mặt nạ hỗ trợ phù hợp.

Theo Bloomberg, đây chỉ là một trong nhiều nội dung mô tả của báo cáo do tổ chức phi lợi nhuận China Labor Watch thực hiện mới đây. Cụ thể hơn nữa, các công nhân chủ yếu sử dụng khẩu trang giấy, không ngăn được hóa chất tiếp xúc với mắt và ngấm vào máu theo thời gian. Người lao động cũng được miêu tả là đeo găng tay cotton trong khi ngâm và cắt linh kiện trong chất lỏng, khiến cho chất độc tiếp xúc trực tiếp với tay dẫn đến việc kích ứng da.

Trong suốt thời gian làm việc, tiếng ồn của việc cắt và dập vỏ iPhone được báo cáo là đạt đến 80 decibel hoặc hơn, tương đương với một nhà máy trung bình hoặc hệ thống xử lý rác thải. Môi trường làm việc này có thể dẫn đến "các tác hại tiềm ẩn", theo IAC Acoustics. Báo cáo cũng ghi nhận việc sàn nhà thường xuyên bị dính dầu khiến nhiều người lao động rất hay bị ngã. Thức ăn ở khu phục vụ cũng khiến nhiều trường hợp công nhân bị tiêu chảy. Nhiều phòng ký túc xá thường không có nước nóng và có không ít người nhiều ngày không được tắm.

Công nhân sản xuất iPhone phải tiếp xúc với hóa chất độc hại
Catcher Technology tại Tú Thiên, Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: China Labor Watch.

"Bàn tay của tôi trắng bợt sau một ngày làm việc", một người lao động chia sẻ. Một công nhân khác cho biết: "Tôi đã yêu cầu đồ bịt tai nhiều lần nhưng họ không có. Tiếng ồn lớn làm tôi đau đầu và chóng mặt".

Nhiều công nhân nói rằng họ bắt đầu bị nghe kém, đau mắt và thị lực dần yếu đi, bên cạnh việc mắc thêm nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, rất khó để chứng minh được mối liên hệ giữa bệnh tật và điều kiện làm việc. Các nhà máy không cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho đến khi nhân viên làm việc được ít nhất ba tháng và nếu một người bỏ việc, họ sẽ không được khám sức khoẻ lần cuối trừ khi tự bỏ tiền. Báo cáo cũng ghi nhận trường hợp một nữ công nhân bị xảy thai và điều tra viên nghi ngờ nguyên nhân do điều kiện làm việc, nhưng đã không thể chứng minh được sự liên quan.

Khi làm việc, nhà máy cung cấp cho các công nhân một loại mặt nạ có than hoạt tính để bảo vệ khỏi khói và bụi. Tuy nhiên một vài công nhân cho biết mặt nạ này dễ bị tắc khí. Đôi khi người giám sát chỉ đưa mặt nạ cho họ khi có đợt kiểm tra và trên thực tế, nhiệt độ cao trong các xưởng chế tạo khiến nhiều người không thể chịu được khi sử dụng những chiếc mặt nạ này.

Còn găng tay cao su, thứ được thiết kế để ngăn việc tiếp xúc trực tiếp với các chất lỏng luôn thiếu. Có người nói rằng họ sẽ tự mua bao tay nhựa mỏng, loại thường dùng một lần trong nhà bếp để bảo vệ bản thân.

"Sau vài giờ, găng tay cũng trương lên và mềm đi, giống như chúng đã bị ăn mòn. Các ngón tay sẽ bị lộ ra", một công nhân nói.

Các công nhân cũng phàn nàn về mùi bởi hệ thống lọc không khí hoạt động rất tệ. Một vài công nhân đến từ tỉnh Sơn Tây cho biết: "Trong vài ngày đầu tiên làm việc, mỗi khi mở tủ, mùi hôi khiến tôi buồn nôn".

Cuối cùng, ở ký túc xá, có tới tám công nhân cùng chung một phòng chật hẹp với bốn chiếc giường tầng. Vào tháng Giêng, nhiệt độ ngoài trời thường giảm xuống gần mức đóng băng và các công nhân phải đóng tất cả cửa sổ để giữ nhiệt.

Công nhân sản xuất iPhone phải tiếp xúc với hóa chất độc hại - 1
Phòng ngủ chật chội của các công nhân. Ảnh: China Labor Watch.

Hầu hết nhân công được tuyển dụng thông qua các cơ quan tuyển dụng từ khu vực nông thôn trên khắp Trung Quốc. Họ chủ yếu tham gia sản xuất khoảng ba tháng vào nửa cuối của năm. Thu nhập mang lại thường cao hơn số tiền họ có thể kiếm được từ các công việc trước đây. Là nhân viên thời vụ làm việc xa gia đình, những người này có thể miễn cưỡng chấp nhận điều kiện làm việc khó khăn vì sợ bị đuổi việc.

Theo báo cáo, người lao động được trả lương vào ngày mùng 5 hàng tháng và nếu họ bị đuổi vì lý do nào đó, ban giám đốc sẽ không trả phần lương còn lại. Đôi khi, nhà máy có thể từ chối việc từ chức của nhân viên.

Mặc dù chính sách của nhà máy nói rằng người lao động có thể nhận được gấp đôi lương vào thứ bảy nếu làm thêm giờ và nghỉ phép ngày chủ nhật, nhưng trên thực tế không phải lúc nào mọi thứ cũng hoạt động như vậy. Đôi khi công nhân phải làm thêm vào thứ bảy và chủ nhật để bù cho các ngày nghỉ trước đó và họ sẽ không được trả lương làm thêm cho quãng thời gian này. "Ai cũng phải làm việc liên tục mà không được dừng lại", một công nhân 25 tuổi cho biết.

Công nhân sản xuất iPhone phải tiếp xúc với hóa chất độc hại - 2
Công nhân ngủ trong phòng ăn của nhà máy. Ảnh: China Labor Watch.

Apple đã phản hồi những thông tin trên và cho biết không tìm thấy bằng chứng về các vi phạm sau khi gửi tới một đội kiểm tra và phỏng vấn 150 người. "Chúng tôi biết rằng công việc này sẽ không bao giờ kết thúc và chúng tôi điều tra mọi cáo buộc được đưa ra. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ công nhân trong chuỗi cung ứng của mình", người phát ngôn của Apple nói thêm.

Apple đã phải mất nhiều năm để nâng cấp các nhà sản xuất sau vụ scandal tại tập đoàn công nghệ Foxconn vào năm 2010, sự kiện đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng về môi trường làm việc khắc nghiệt để sản xuất ra các thiết bị điện tử cao cấp của hãng. Theo báo cáo tiến độ năm 2011 của Apple, Foxconn đã thuê chuyên gia tư vấn tâm lý, thiết lập một trung tâm chăm sóc 24/7 và gắn lưới chống tự sát vào các tòa nhà. Ngay sau đó, hãng cũng nâng cao tiêu chuẩn và bắt đầu kiểm toán hàng trăm công ty sản xuất linh kiện cho thiết bị của mình, để cảnh cáo và đe dọa những đơn vị vi phạm luật lao động.

Tuy nhiên, quy mô của chuỗi cung ứng cho Apple ngày càng lớn. Việc này khiến cho việc kiểm soát, thực thi các tiêu chuẩn sinh sống và vệ sinh cho công nhân ngày càng khó khăn. Apple hiện bán hơn 200 triệu iPhone mỗi năm và ngày càng có dấu hiệu tăng. Cuối năm ngoái, công ty đã đưa ra hai mẫu iPhone mới, gây áp lực lên các nhà cung cấp để đưa ra thị trường hàng triệu thiết bị mới trước mùa mua sắm cuối năm.

Cũng trong cuối năm ngoái, Apple đã phát hiện ra nhiều thực tập sinh tại một nhà máy của Foxconn đã vi phạm quy định làm thêm giờ. Công ty cho biết họ sẽ xem xét lại các chương trình để đảm bảo những sự cố tương tự sẽ không xảy ra nữa. Trong quá khứ, Apple cũng đã dính dáng tới nhiều cáo buộc vi phạm luật lao động về làm thêm giờ và sử dụng lao động trẻ em. 

Theo Mai Anh (VnExpress.net)