Công nghệ

Apple đang từ bỏ thị trường smartphone bình dân bằng cách biến iPhone thành thứ đồ xa xỉ

Thay vì theo đuổi doanh số và thị phần, iPhone của Apple giờ đây tập trung vào lợi nhuận và giá bán nhiều hơn, khi smartphone đã trở nên quá bão hòa ở các thị trường mà họ đang nắm giữ.

Trong số các công ty lớn, không có ai thu hút nhiều sự chú ý như Apple. Các báo cáo hàng quý của nó đã trở thành một khoảnh khắc dự báo cho thị trường cổ phiếu và ngành công nghệ, và vì vậy, như thường lệ báo cáo thu nhập mới công bố tuần trước của họ lại trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.

Khi giá trị vốn hóa của hãng đã vượt quá mức 1.000 tỷ USD, Apple đang dần dần từ bỏ chiến lược giành lấy thị phần bằng mọi giá và tập trung vào thống trị thị trường cao cấp của mình. Các kết quả kinh doanh quý gần đây của họ càng củng cố thêm nhận định đó.

Trong quý vừa qua, công ty đã xuất xưởng được 46 triệu chiếc iPhone, về cơ bản, gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn kỳ vọng. Nhưng điều đáng chú ý là mức giá trung bình trên mỗi sản phẩm - gần 800 USD mỗi thiết bị, cao hơn đáng kể so với mức 750 USD như dự đoán. Và nếu mọi việc đi theo đúng quỹ đạo, mức giá trung bình còn có thể đạt tới gần 1.000 USD trong quý hiện tại.

Apple đang từ bỏ thị trường smartphone bình dân bằng cách biến iPhone thành thứ đồ xa xỉ


Nhưng điều làm các nhà đầu tư và các nhà phân tích thực sự chú ý lại là thông báo của công ty cho biết, họ sẽ không thông báo doanh số của mỗi loại thiết bị họ bán được trong quỹ nữa, thay vào đó chỉ còn tổng doanh thu cho toàn bộ mảng thiết bị đó. Điều này không được các nhà phân tích đón nhận, và một số người còn dự đoán rằng, việc Apple giảm bớt sự minh bạch của mình là vì “họ có điều gì đó để giấu”.

Tuy nhiên, quyết định dừng tiết lộ doanh số cụ thể của mỗi thiết bị lại đang làm bất bình nhiều nhà phân tích, những người trong một thập kỷ qua đã đánh giá công ty dựa trên số lượng điện thoại họ bán được cùng với mức giá mà họ đang bán ra. Tuy nhiên, Apple có lẽ không đánh giá bản thân theo cách đó, ít nhất cũng không theo góc độ mà các nhà phân tích phố Wall đang có.

Tập trung vào lợi nhuận và giá bán hơn là doanh số và thị phần

Đối với các thiết bị mới, giờ đây Apple tập trung hơn vào giá cả và lợi nhuận mà nó mang lại, thay vì doanh số tuyệt đối. Điều đó hoàn toàn có lý trong một thế giới khi các chức năng cơ bản mà phần cứng của Apple mang lại đều có thể tìm thấy trên một số các thiết bị khác với mức giá rẻ hơn nhiều, như Xiaomi và Huawei của Trung Quốc, LG và Samsung của Hàn Quốc và nhiều người khác nữa.

Apple đang đánh mất thị phần ở Trung Quốc và nhiều thị trường của các nước đang phát triển khác, vốn vẫn đang trong thời kỳ chấp nhận smartphone. Tuy nhiên, những chiếc iPad vẫn là ngoại lệ, khi chiếc tablet của Apple vẫn duy trì được sự kết hợp độc đáo giữa hình dạng và chức năng của mình. Cho dù vậy, câu hỏi về việc liệu nó có thể thay thế cho laptop và máy tính hay không vẫn là điều khó trả lời.

Apple đang từ bỏ thị trường smartphone bình dân bằng cách biến iPhone thành thứ đồ xa xỉ - 1

Và vì vậy, Apple đang tận dụng thế mạnh của mình - bán một sản phẩm đã trở nên phổ thông với mức giá rất cao như một phần trong hệ sinh thái dịch vụ đóng một phần của mình. Có lẽ đó là lý do Apple lại tự tin cho biết, sẽ tiết lộ chi tiết hơn về mảng kinh doanh dịch vụ của họ, vốn bao gồm iTunes, App Store và ApplePay, tất cả đều được dự báo sẽ có tăng trưởng lớn hơn về doanh thu và dịch vụ.

Ngoài ra, hãy nhìn vào những nơi Apple đang tăng trưởng và những nơi họ đang thất bại: họ gia tăng thị phần tại các quốc gia giàu có như Liên minh châu Âu và Mỹ, và đi ngang hoặc sụt giảm ở những nơi như Trung Quốc, Nigeria, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển. Nhưng lợi nhuận của họ lại đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Trở thành một Mercedes hơn là Hyundai trong thế giới smartphone

Trong một thế giới nơi smartphone đã trở nên phổ biến với mỗi người như điện nước, và tầng lớp trung lưu đều có một chiếc tablet hoặc một máy tính nào đó, Apple đã lựa chọn trở thành một Tiffany hoặc Mercedes hơn là Walmart hay Hyundai của smartphone. Điều đó nghĩa là, nó sẽ trở thành thứ dành cho một nhóm khách hàng khao khát, và với họ, thương hiệu, hình dáng và chức năng chỉ là một phần trong đó, và mức giá cao hơn đôi khi lại trở thành một khía cạnh của sự hấp dẫn.

Apple đang từ bỏ thị trường smartphone bình dân bằng cách biến iPhone thành thứ đồ xa xỉ - 2

iPhone đang dần trở thành một thương hiệu thời trang đắt tiền thay vì dành cho thị trường bình dân.

Thật khó để biết liệu chiến lược đó có là điều đúng đắn hay không cũng như liệu chiến lược đó có sản sinh ra lợi nhuận và lượng tiền mặt khổng lồ cho những năm tới hay không, khi thiếu vắng các công nghệ đột phá, nhưng không phải là điều không thể. Trên thực tế, từ những năm 1980, Apple đã bắt đầu bán những chiếc máy tính giá cao, được thiết kế sang trọng để tránh né thị trường đại chúng.

Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã khác. Thật khó để hình dung về một Apple không còn ở vị trí dẫn đầu về sáng tạo cho những điều mới nữa. Ngập trong tiền bạc và tập trung vào việc bảo vệ thương hiệu cấp cao của mình sẽ làm họ giống như một nhà bán lẻ sản phẩm cao cấp hơn là một người đột phá về công nghệ. Tuy nhiên ranh giới giữa hai điều này cuối cùng đôi khi cũng nhòa đi.

Nhưng thay đổi của Apple ngày nay cũng là một dấu hiệu nữa cho sự chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành công nghệ Mỹ, từ một tập hợp các nhà sáng tạo và đột phá thành một nhóm nhỏ những người khổng lồ với mục tiêu và ưu tiên khác hơn.

Tạm biệt sứ mệnh thay đổi thế giới, và xin chào lợi nhuận đang đến.

Theo Nguyễn Hải (Trí Thức Trẻ)