Chuyện lạ

Họa sĩ vẽ tranh bằng... máy may độc nhất vô nhị

Những bức tranh của người nghệ sĩ đặc biệt này thật đẹp và sinh động đầy ấn tượng nhưng ấn tượng hơn nữa là anh đã vẽ tranh bằng... máy may.

Thông thường, có rất nhiều loại chất liệu để tạo nên màu sắc cho một bức tranh. Nhưng loại chất liệu của người “họa sĩ” Ấn Độ này lại vô cùng độc đáo, vì anh dùng chỉ màu và máy may để tạo thành bức tranh cho mình.

Tên anh là Arun Kumar Bajaj, sinh năm 1983.

Về lý mà nói, dùng kim và chỉ màu thì đúng là thêu chứ không phải vẽ. Nhưng nếu nhìn thấy những tác phẩm nghệ thuật của anh với những chi tiết tạo hình thì lại đúng là vẽ tranh bằng máy may chứ không phải thêu. Những bức tranh của anh thật đẹp và sinh động đầy ấn tượng nhưng ấn tượng hơn nữa là anh đã thực hiện toàn bộ các tác phẩm bằng máy may.

Họa sĩ vẽ tranh bằng... máy may độc nhất vô nhị
Arun đang “vẽ” trên máy may, hãy chú ý tới bộ mặt và nhất là đôi mắt vô cùng có hồn của nhân vật.

Arun rất giỏi vẽ và mơ ước sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Nhưng cái chết bất ngờ của cha anh 15 năm trước đây đã làm tan nát giấc mơ này và buộc anh phải bỏ học để phụ giúp gia đình kiếm sống. Cha của anh là một thợ may và anh nối nghiệp cha, nhưng anh đã không để cho chất nghệ sĩ trong mình mai một.

Anh bắt đầu “vẽ tranh” bằng đường kim mũi chỉ. Nhưng thay vì dùng tay, anh quyết định dùng một phương tiện thêu khá đặc biệt là máy may. Phải mất một khoảng thời gian dài anh mới có thể làm chủ được loại hình nghệ thuật độc đáo này và được xem là nghệ sĩ sử dụng máy may duy nhất trên thế giới. Hiện nay, thế giới gọi anh là Thread work artist tức Nghệ sĩ vẽ bằng chỉ hoặc đơn giản hơn, là Needle Man tức Người dùng kim.

Họa sĩ vẽ tranh bằng... máy may độc nhất vô nhị - 1
 Bức tranh Phiên tòa Ranjit Singh với gần 2.000 nhân vật đã được hoàn thành.

Chia sẻ với phóng viên của DNA India, anh cho biết: “Tôi đã may vá được 23 năm, kể từ khi 12 tuổi. Cha tôi là một thợ may nhưng ông mất sớm khi tôi mới 16 tuổi, tôi đã phải bỏ học để tiếp quản tiệm may. Tôi vẽ rất khá ở trường, và đây là cách tôi kết hợp hai loại hình nghệ thuật lại với nhau.

Tôi không muốn làm thợ may cả đời. Tôi muốn làm nên tên tuổi cho mình, kể cả khi niềm đam mê này có thể đem đến sự bấp bênh về kinh tế cho gia đình tôi”.

Họa sĩ vẽ tranh bằng... máy may độc nhất vô nhị - 2
 Bức tranh Phiên tòa Ranjit Singh với gần 2.000 nhân vật đã được hoàn thành.

May mắn là sự kiên trì của anh đã được tưởng thưởng xứng đáng, những tác phẩm của anh được tìm mua khắp nơi ở cả Ấn Độ và nước ngoài. Lý do thật đơn giản, vì ngoài việc là một bức tranh đẹp, có hồn thì điều thực sự khiến những bức tranh thêu của anh trở nên đặc biệt chính là phương tiện mà anh sử dụng. Một trong số các tác phẩm nổi tiếng của anh là bức chân dung thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được trao cho chính thủ tướng. Và điều này lại càng làm cho anh thêm nổi tiếng.

Tại Trung Á, có rất nhiều quốc gia có truyền thống lâu đời về thảm thêu, mà một số tấm có thể so sánh với các tác phẩm của Arun Kumar Bajaj về độ chi tiết, nhưng chúng ta sẽ không thể tìm được một tấm nào được làm từ… máy may.

Arun Kumar Bajaj cho biết: “Bạn cần phải cực kỳ chính xác, vì một khi mũi kim đã hạ xuống, thì không cách nào sửa lại được nữa… Tôi cũng không chạy chỉ đè lên, tất cả đều chỉ được chạy một lớp để đem lại cho bức tranh nét tinh xảo, có hồn và đẹp sinh động”.

Họa sĩ vẽ tranh bằng... máy may độc nhất vô nhị - 3
 Bức tranh thiên nhiên với con hổ trong hang vô cùng sinh động.

Một trong những tác phẩm ấn tượng nhất của Họa sĩ may" là bức tranh thần Krishna kích thước 1,8x1,2m, mà anh đã phải mất tới 3 năm với khoảng 28.390.000m chỉ để hoàn thành. Hay bức phiên tòa Ranjit Singh kích thước 1,2m x 0,6m dựa trên truyện thần thoại Maharaja của đế chế Sikh, miêu tả gần 2.000 nhân vật mà anh phải mất một năm để hoàn thành.

Hiện Arun cũng có một tiệm may ở Adalat Bazar, thành phố Patiala, bang Punjab, nhưng anh vẫn thích dành thời gian cho niềm đam mê nghệ thuật của mình hơn.

Theo Thiện Hải (Khampha.vn)