Chuyện lạ

Cuộc sống của người đầu tiên được ghép mặt hai lần

Công dân Pháp Jérôme Hamon trở thành người đầu tiên trên thế giới trải qua hai ca phẫu thuật ghép mặt.

Cuộc sống của người đầu tiên được ghép mặt hai lần
Khuôn mặt mới được ghép của Jerome Hamon.

Jérôme Hamon, 43 tuổi, được phẫu thuật cấy ghép mặt lần hai hồi tháng 1/2018. Gương mặt mới của Hamon hiện vẫn còn mềm và bất động, hộp sọ, da và các nét chưa được sắp xếp hoàn chỉnh. Quá trình hoàn thiện này phụ thuộc vào loại thuốc ức chế miễn dịch - thứ được kỳ vọng sẽ ngăn cơ thể đào thải khuôn mặt được cấy ghép. Với khuôn mặt thứ hai này, Hamon nói mình trẻ ra hàng chục tuổi, theo AP.

"Tôi đã 43 tuổi nhưng người hiến tặng chỉ mới 22. Vậy là bây giờ tôi trẻ hơn 20 tuổi rồi", Hamon hài hước chia sẻ trên truyền hình Pháp hôm 17/4.

Hamon mắc bệnh u sợi thần kinh, một đột biến di truyền gây nhiều khối u biến dạng trên cơ thể và phá hủy khuôn mặt. Năm 2010, anh nhận được khuôn mặt hiến tặng từ một người 60 tuổi. Ca phẫu thuật do bác sĩ thẩm mỹ Laurent Lantieri thực hiện rất thành công.

Cùng năm đó, để điều trị chứng cảm lạnh thông thường, anh sử dụng thuốc kháng sinh không tương thích với phương pháp điều trị ức chế miễn dịch. Đến năm 2016, cơ thể anh bắt đầu đào thải gương mặt cấy ghép và bác sĩ Lantieri phải phẫu thuật loại bỏ nó. Hamon trở thành người không có khuôn mặt mà theo mô tả của Lantieri là chẳng khác nào "xác sống".

Anh không có mí mắt, tai, da, cũng không thể nói hoặc ăn. Thính giác của anh cũng bị hạn chế và chỉ có thể biểu đạt bằng cách xoay đầu chậm rãi hoặc viết ra mẩu giấy. 

Cuộc sống của người đầu tiên được ghép mặt hai lần - 1
 Bác sĩ Laurent Lantieri cạnh màn hình hiển thị 3 khuôn mặt của Hamon.

Hamon ở trong bệnh viện Georges-Pompidou, Paris trong tình trạng không có khuôn mặt suốt hai tháng để chờ người hiến tặng phù hợp. Ngay khi tìm được người hiến tặng, bác sĩ Lantieri cùng đội ngũ của ông thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép lần hai hồi tháng một.

Trước ca phẫu thuật lần này, các bác sĩ đã thay toàn bộ máu trong cơ thể Hamon theo quy trình kéo dài một tháng nhằm loại trừ một số kháng thể có vấn đề từ các phương pháp điều trị trước đó.

"Một người đã trải qua tất cả những điều này thì cũng chẳng khác nào trải qua một cuộc chiến tranh hạt nhân và anh ấy đã làm rất tốt", Lantieri nói.

Ba tháng sau ca phẫu thuật lần hai, Hamon vẫn ở trong bệnh viện Georges-Pompidou. Lantieri nói rằng bây giờ Hamon được theo dõi như bất cứ bệnh nhân ghép mặt nào khác.

"Chúng tôi vẫn rất lưu tâm đến khả năng cơ thể anh ấy lại đào thải khuôn mặt này", Lantieri cho hay.

Năm 2005, ca phẫu thuật ghép mặt đầu tiên được thực hiện đối với Isabelle Dinoire, người hỏng mũi, môi, cằm và má do bị chó nuôi cắn. Đến nay, các bác sĩ đã thực hiện 40 ca phẫu thuật ghép mặt như vậy trên khắp thế giới.

Theo Huyền Lê (VnExpress.net)