Chuyện lạ

3 lần sảy thai và 1.616 mũi tiêm tạo ra 'em bé cầu vồng' của cặp đôi đồng tính nữ

Để có được một cô con gái, cặp vợ chồng này đã phải trải qua vô vàn khó khăn và hành trình vất vả kéo dài suốt 4 năm.

Trong chiếc khăn bọc bảy sắc cầu vồng, bé gái sơ sinh London O'Neill đang ngủ say sưa, xung quanh em là một hình trái tim được xếp từ hàng nghìn mũi tiêm, tượng trưng cho cả nghìn mũi tiêm mà mẹ em đã phải trải qua để có được London. Bé gái chào đời vào ngày 3/8 vừa qua, sau 7 lần tạo phôi, 3 lần sảy thai và 1.616 mũi tiêm của người mẹ trong suốt 4 năm qua.

Theo đó, cặp đôi đồng tính nữ Patricia và Kimberly O'Neill, sống tại Mỹ, gặp nhau từ 6 năm trước khi họ cùng làm việc trong một nhà trẻ. Khi đó, cả hai đều đã có con riêng với người cũ nhưng họ vẫn quyết định sẽ có một đứa con chung. Họ bắt đầu hành trình để có con vào tháng 2/2014 và Patricia là người mang thai. Tới tháng 1/2017, họ chính thức được pháp luật công nhận là vợ chồng.

3 lần sảy thai và 1.616 mũi tiêm tạo ra 'em bé cầu vồng' của cặp đôi đồng tính nữ
Bức ảnh "em bé cầu vồng" gây sốt mạng xã hội.

Thế nhưng hành trình mang thai của Patricia là không dễ dàng. Cô cho biết: "Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ chỉ cần đến phòng khám hiếm muộn là sẽ có con nhưng quả thật mọi chuyện không hề đơn giản".

Sau đó, Patricia đã vô cùng đau khổ khi mang thai 3 lần nhưng đều sảy vì không qua được tuần thứ 6,8 và 11. Cuối cùng, cặp đôi đã quyết định đi kiểm tra và được bác sĩ kết luận, Patricia bị yếu tố V Leiden dẫn đến tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bất thường. Phụ nữ rơi vào tình trạng này sẽ có nguy cơ bị đông máu cao hơn trong thai kỳ.

3 lần sảy thai và 1.616 mũi tiêm tạo ra 'em bé cầu vồng' của cặp đôi đồng tính nữ - 1
Cặp đôi Patricia và Kimberly đã trải qua rất nhiều khó khăn để có con.

Sau khi mất em bé thứ 3, cả Patricia và Kimberly đều trở nên tuyệt vọng. "Tôi nghĩ thế là hết, tôi không thể chịu đựng thêm được nữa", Patricia nói. Tuy nhiên, Kimberly luôn ở bên cạnh cô và động viên cô nhất định không được từ bỏ.

Nghe lời Kimberly, họ đã quyết định dùng phôi thai cuối cùng, đặt niềm tin vào bác sĩ John Couvaras, một chuyên gia nội tiết - sinh sản với gần 30 năm kinh nghiệm. Bác sĩ John nhận định: "Trường hợp của Patricia rất nguy hiểm vì cô từng thụ tinh trong ống nghiệm và bị sảy thai nhiều lần. Bên cạnh đó, bệnh nhân lại có dấu hiệu dễ sưng tấy, hàm lượng vitamin D thấp và thiếu enzyme".

Sau đó, bác sĩ đã quyết định tiêm cho Patricia chất làm loãng máu 2 lần mỗi ngày để giúp máu lưu thông tới em bé. Ngoài ra, sản phụ không được đi lại nhiều, cứ 2 tuần một lần phải đi kiểm tra để đảm bảo thai nhi được an toàn.

Cuối cùng, sau 4 năm vật lộn với bao khó khăn, tốn kém cả công sức, tiền bạc và nước mắt, trái ngọt đã đến với gia đình của cặp đôi hiếm muộn. Bé gái London đã chào đời khỏe mạnh vào ngày 3/8 vừa qua.

3 lần sảy thai và 1.616 mũi tiêm tạo ra 'em bé cầu vồng' của cặp đôi đồng tính nữ - 2
Cặp đôi hiếm muộn chia sẻ niềm hạnh phúc trên sóng truyền hình.

Sau đó, để lưu giữ khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, Patricia và Kimberly đã quyết định chụp một bộ ảnh cho bé London nằm giữa đống kim tiêm mà người mẹ đã dùng. Cặp đôi đã tìm đến nhiếp ảnh gia Samantha Packer, tác gải của loạt ảnh "em bé cầu vồng" nói về những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ hiếm muộn vì sảy thai, sinh non hoặc con chết yểu.

Buổi chụp hình diễn ra khi bé London vừa tròn 1 tuần tuổi. Sau hơn 1h đồng hồ tỉ mỉ ngồi xếp đống kim tiêm mình đã từng dùng thành hình trái tim rồi đặt con vào giữa, cả Patricia và Kimberly đều đã bật khóc vì xúc động. 

3 lần sảy thai và 1.616 mũi tiêm tạo ra 'em bé cầu vồng' của cặp đôi đồng tính nữ - 3
"Thành quả" trong suốt 4 năm của cặp đôi khiến nhiều người xúc động.

Sau khi được đăng tải lên Facebook, bức ảnh "em bé cầu vồng" của London đã thu hút hơn 60.000 lượt chia sẻ chỉ trong thời gian ngắn. "Bức ảnh kể lại cả một hành trình khó khăn, tình yêu với thành quả ngọt ngào là một đứa con. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao bức ảnh được thu hút tới vậy", nhiếp ảnh gia Samantha chia sẻ.

Cô Patricia cũng tâm sự: "Tôi hy vọng những cặp đôi đang nỗ lực để có con có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Tất cả những gì bạn cần làm là nỗ lực để đi đến cuối con đường đó".

Theo Khánh Hằng (Khampha.vn)